Multimedia Đọc Báo in

Con đường làm giàu của Ama Nanh

09:22, 21/09/2011

Theo chị H’Bunh (thường gọi là Amí Nanh), ở thôn 4, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) thì nhiều hộ Êđê trong buôn vẫn có tư tưởng “đến đâu hay đó”. Có tiền thì nhậu nhẹt rượu chè suốt ngày, đến khi hết tiền đem bán cà phê non mua gạo, có người lại đem lon gạo đổi lấy lon ớt để ăn. Không còn cái gì đổi bán thì đợi Chính phủ trợ cấp. Cái nghèo cái đói dắt dây nhau không bao giờ ngẩng mặt lên được với thiên hạ. Ngày ấy, mấy ai suy nghĩ được như vợ chồng Ama Nanh: “Mình có đất phải biết tận dụng đất nuôi mình, đừng trông chờ ỷ lại”. Bây giờ có của ăn của để vợ chồng Ama Nanh vẫn luôn lấy cái ngày lận đận nghèo khó ban đầu để răn dạy con cái biết đường làm ăn.

Gia đình Ama Nanh thu hoạch đậu.
Gia đình Ama Nanh thu hoạch đậu.

Năm 1988, vợ chồng Ama Nanh ra ở riêng, được cha mẹ chia cho 1 sào đất (1000m2). Vợ chồng chỉ dựng được túp lều, ngày ngày rối chí lo miếng ăn, gia đình được xếp vào diện nghèo ở địa phương. Vợ chồng vắt óc suy tính, có đất không thể cam chịu nghèo mãi, không có vốn thì hai bàn tay tạo ra vốn, rồi quyết định trồng khoai lang, ngày ngày hái ngọn làm rau đem ra chợ bán, cắt dây bán cho người nuôi heo. Vợ ra chợ, chồng ở nhà chăm bón, cắt hết lượt rau này thì lứa khác lại lên xanh. Cần mẫn như vậy, dần dần anh chị không chỉ đủ sống mà còn chắt chiu dành dụm mua được 1,2 ha đất trồng mía. Khi ấy mía bán cho người ép mật đang được giá nên vợ chồng Ama Nanh có tiền mở mang thêm diện tích đất canh tác, vừa chuyển đổi cây trồng, ngoài ra còn chăn nuôi heo, nuôi bò để vừa bán thịt vừa có phân bón cây. Đến năm 1999, Ama Nanh đã xây được ngôi nhà trị giá 150 triệu đồng được coi là oai nhất trong buôn.

Hiện gia đình Ama Nanh có hơn 2 ha cà phê kinh doanh; 7 sào trồng đậu, bắp; 3 sào ruộng trồng lúa. Ngoài ra, gia đình Ama Nanh còn nuôi bò, hươu. Tổng thu nhập từ chăn nuôi và trồng trọt lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ xây nhà cửa khang trang, Ama Nanh còn mua sắm được nhiều phương tiện phục vụ sản xuất như: 1 xe tải, xe công nông, máy suốt lúa đậu, bắp, máy cày…
Từ một nông dân không cam chịu phận nghèo, vượt lên thói quen cố hữu “đến đâu hay đó”, với hai bàn tay lao động và tư duy đổi mới, Ama Nanh không những thoát nghèo mà còn là điển hình sản xuất giỏi của xã Cư Êbur.

Nguyễn Liên

Ý kiến bạn đọc