Multimedia Đọc Báo in

Bệnh nấm mốc ở ngũ cốc - cách phòng tránh

14:43, 09/10/2011

Nấm mốc ở ngũ cốc và thức ăn chăn nuôi là căn bệnh gây tổn thất lớn cho ngành nông nghiệp, làm cho ngũ cốc và thức ăn chăn nuôi nhanh chóng bị biến chất, gây hại cho vật nuôi lẫn người tiêu dùng.

1. Nấm mốc là gì?
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, có trên 200.000 loại nấm mốc khác nhau trong đó có khoảng vài chục loài gây hại cho động vật, con người và các sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong thức ăn chăn nuôi. Nấm mốc được phân thành hai nhóm là nhóm y tế (gây dịch bệnh) và nhóm gây ngộ độc sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm dạng hạt và thức ăn gia súc. Các loại nấm mốc gây ngộ độc cho nông nghiệp gọi chung là Mycotoxins. Mycotoxins là chất hóa chất độc do nấm sinh ra, gồm 5 nhóm chính là deoxynivalenol/nivalenol; zearalenone; ochratoxin; fumonisins và aflatoxins.  Trong số này có aflatoxin được xem là phổ biến, được tạo ra ngay cả khi ngũ cốc chưa thu hoạch, sau thu hoạch lẫn trong  quá trình bảo quản, chế biến, vì vậy rất khó loại bỏ. Chúng có mức độ nguy hiểm cao cho động vật lẫn con người. Trong số các độc tố của Mycotoxins có aflatoxin B1 là loại  độc nhất, do nấm Fusarium moniliforme gây ra, chỉ cần 0,03 ppm (phần triệu) từ khô lạc, ngô cũng có thể gây ung thư gan. Aflatoxin có cấu trúc hóa học rất ổn định, không bị phá hủy bởi môi trường, kể cả nhiệt, ánh sáng, axít lẫn quá trình xử lý kiềm.

2. Ảnh hưởng của nấm mốc đối với vật nuôi
Như trên đã đề cập, nấm mốc sinh ra Mycotoxins, đặc biệt là aflatoxin, tuy số lượng aflatoxin được tạo ra không đủ để gây trúng độc nặng nhưng nó lại gây ra các triệu chứng kéo dài như tốc độ tăng trưởng chậm, khả năng chống dịch bệnh kém. Tổng thể, aflatoxin làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng và các quá trình sử dụng dinh dưỡng của gia súc. Aflatoxin còn gây  ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất béo và sinh ra mỡ trong gan, gây phá hủy tế bào gan, thận và các bộ phận khác của vật nuôi, ảnh hưởng lên hệ miễn dịch, bào mòn thành ruột, dạ dày, gây suy dinh dưỡng, chậm lớn và chết non, thậm chí có thể gây ung thư cho gia súc, gia cầm. Nếu con người ăn thịt vật nuôi có chứa aflatoxin cũng có thể bị ung thư gan. Vì lý do này, Cục quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấm các loại thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có chứa aflatoxin. Ngoài aflatoxin, nhiều loại độc tố khác thuộc Mycotoxin cũng rất nguy hiểm như ocharatoxin, T2 (trichothecenes), aflatoxin  B2, G1, G2... (có nhiều trong ngô, khô dừa) .Theo Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), có khoảng 25% lượng ngũ cốc của thế giới bị nhiễm Mycotoxin.  Tại nhiều quốc gia châu Á, tỷ lệ nhiễm Mycotoxin cao do khí hậu ẩm ướt và công tác quản lý sau thu hoạch yếu kém.

3. Cách phòng tránh và kiểm soát nấm mốc trong ngũ cốc
- Phơi khô hạt: Nấm mốc không thể phát triển và tạo ra Mycotoxins trong trường hợp ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi được sấy khô và bảo quản trong môi trường khô ráo, sạch sẽ. Ngay sau khi thu hoạch nên phơi khô ngay và duy trì hàm lượng ẩm (nước) ở dưới mức 0,7 aw. Đây là ngưỡng nấm mốc không thể phát triển được. Nếu phơi dưới ánh nắng không đủ thì cần phải sấy khô tiếp bằng phương pháp cơ học.

- Tránh gây tổn thương cho sản phẩm hạt: Sản phẩm ngũ cốc hạt còn lành lặn, không bị dập nát thì nấm không có cơ may tồn tại. Nên loại bỏ hạt hư hỏng trước khi sấy khô và bảo quản.

- Điều kiện bảo quản thích hợp: Đặc biệt là ở những vùng nhiệt đới, độ ẩm cao cần trang bị thêm thiết bị và kho tàng bảo quản. Nên sử dụng bao bì  bảo đảm chất  lượng, hợp cách, nhất là bao polyethylene. Kho chứa lớn cần có thiết kế phù hợp, nền, tường phải hợp lý, thông gió tốt, bảo đảm độ ẩm tối ưu 0,7 aw.

Ngoài ra, có thể áp dụng các công nghệ tiên tiến trong thiết kế và xây dựng kho tàng, hệ thống bảo quản sản phẩm. Nông sản được bảo quản tốt đồng nghĩa với việc tăng doanh thu, bảo vệ sức khỏe tốt cho vật nuôi lẫn con người.

K.N (Theo PFV/FAO -7/2011)

Ý kiến bạn đọc