Chăm sóc cây chanh không hạt
Đặc điểm chanh không hạt: lá lớn, gai nhỏ, tược dài, cho trái chùm năng suất cao. Đặc biệt, giống chanh này cho trái quanh năm, từ năm thứ ba, đến năm thứ tư cây bắt đầu sai trái, trung bình mỗi cây trên 1.000 trái, khoảng 70-100 kg/cây/năm. Chanh không hạt trái to, 6-7 quả/kg, vỏ mỏng màu xanh sáng, nhiều nước và vị chua có mùi thơm. Trồng chanh không hạt có thể thu hoạch trên 10 năm cây mới bị cỗi hóa. Giá bán tại vườn loại chanh này dao động từ 8.000-9.000 đồng/kg, nếu bán cho siêu thị được giá 12.000-13.000 đồng/kg, có lúc giá lên 32.000 đồng/kg.
Trồng chanh không hạt cũng không cần đầu tư chi phí quá cao, quá trình chăm sóc cũng không khó. Trồng thích hợp với khoảng cách từ 3,5-4m/cây, mỗi ngày tưới hai cữ nước. Trồng khoảng 10-20 ngày bón phân urê pha loãng tưới dưới gốc. Từ 30 ngày thì dùng NPK rải gốc và tưới nước thường xuyên đến khi đọt non ra khoảng 1-2cm thì xịt thêm thuốc trừ sâu rầy. Sửa cho cây tròn tán để khi gió lớn cây không bị gãy nhánh. Phòng ngừa rệp sáp dưới rễ, nên chọn thuốc đặc trị rệp sáp và tuyến trùng rễ. Cho cây đứng thẳng, cắm cây và cột cứng không cho gió lung lay làm cho bộ rễ bị đứt.
Ưu điểm lớn nhất của cây chanh không hạt là sức kháng bệnh rất mạnh, nhất là không thấy bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh như các loại cây có múi khác. Tuy nhiên, để phòng ngừa bệnh vàng lá thối rễ trên cây chanh là tránh ngập úng, làm sạch cỏ gần gốc cây, cung cấp đất phù sa cho cây, rải vôi xung quanh gốc. Sử dụng nhiều phân hữu cơ kết hợp nấm đối kháng Trichoderma. Giống chanh không hạt trồng khoảng 20 tháng là cho trái (nhưng lứa đầu tiên chỉ nên lấy phân nửa số trái còn lại phải cắt bỏ), và cây cho trái quanh năm, tính từ ngày ra bông đến khi thu hoạch khoảng 5 tháng, bà con cần có biện pháp xử lý phân, thuốc theo chu kỳ và áp dụng cho ra trái vào thời điểm giá thị trường cao.
Giống chanh này thích nghi với nhiều vùng sinh thái, trừ những vùng đất ngập úng, nhiễm phèn hay nhiễm mặn, hiện được trồng nhiều ở các tỉnh miền Tây. Ở Dak Lak, nông dân cũng có thể ứng dụng trồng tập trung hoặc trồng xen canh để cải tạo vườn tạp. Tuy nhiên, bà con cần chú ý, nếu vùng đất thấp phải có đê bao khép kín, có hệ thống thủy lợi tưới tiêu hoàn chỉnh, đắp mô cao 0,5 – 0,6m, rộng 0,8 – 1m; nếu vùng đất cao mặt đất bằng phẳng đắp mô cao 0,3 – 0,8m, rộng 0,8 – 1m; mặt đất nghiêng nhỏ hơn 5% không vun mô. Trong thời gian đầu, có thể trồng xen cây họ đậu vào trong vườn để hạn chế giông gió, đổ ngã và che bớt ánh sáng; đậy tủ gốc cho cây vào mùa khô để giữ ẩm và chống xói mòn, tăng cường thoát nước trong đất vào mùa mưa.
Nguồn nongnghiep.vn
Ý kiến bạn đọc