Cách nhận biết chất cấm trong thịt heo
Trước tình trạng heo bị nhiễm chất kích nạc khiến người tiêu dùng tẩy chay sản phẩm này, nhiều hộ chăn nuôi và các chuyên gia ngành nông nghiệp đã có nhiều chia sẻ trong việc phát hiện thịt heo nhiễm chất cấm.
Theo kinh nghiệm của chính những hộ nuôi: quan sát thịt trên quầy bán, nếu thấy thịt nạc dính sát vào da mà không có lớp mỡ đệm thì rất có thể con heo đó được nuôi bằng hóa chất cấm, hay còn gọi là chất kích nạc, tăng trọng.
Ngoài ra, theo PGS.TS Dương Thanh Liêm, Bộ môn Dinh dưỡng động vật, Khoa Chăn nuôi - Thú y, ĐH Nông Lâm TP HCM, với những con heo dùng một số loại chất cấm (tạo nạc, tăng trọng…), khi giết thịt thì thịt thường có màu đỏ sậm ngả sang đen, thịt mất đi tính hấp dẫn vốn có. Hoặc trên bề mặt da, đặc biệt ở các vị trí khớp, khuỷu… có những quầng chấm đỏ lan rộng, pha lẫn sậm đen. Đây là biểu hiện của vật nuôi như bò, cừu, heo bị hóa chất làm vỡ các mao mạch, khiến máu tung tóe ở phía dưới da. Hệ quả của việc khi bị stress trước lúc giết mổ.
Người tiêu dùng nên cảnh giác với những loại thịt heo sậm màu, có những quầng đỏ thâm dưới da. |
Cũng theo PGS Liêm, chất cấm khi vào cơ thể vật nuôi khiến sợi cơ phình to ra mà không tăng DNA (Deoxyribonucleic acid, là một phân tử nucleic acid mang thông tin di truyền) trong tế bào sợi cơ, vì vậy chỉ làm cho thịt nạc trở nên khô, thô và nghèo chất béo, mất đi sự mềm mại, mất vị béo của thịt. Các loại thực phẩm như giò, chả lụa khi sử dụng thịt heo này để chế biến thường bị cứng mà không cần đến đến hàn the. PGS Liêm cũng khẳng định, hầu hết những chất cấm trong chăn nuôi hiện nay là những hợp chất có nguồn gốc tổng hợp, nên đều có khả năng tồn dư trong thịt, không bị hư khi chế biến ở nhiệt độ cao như chiên, nướng…
Tuy nhiên, biện pháp hữu hiệu nhất để loại bỏ chất cấm, các cơ quan chức năng phải tăng cường thanh tra, giám sát các cửa hàng buôn bán thuốc và thức ăn chăn nuôi, kiểm soát chặt việc nhập lậu các loại hóa chất độc hại này.
Theo nongnghiep.vn
Ý kiến bạn đọc