Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu nhờ năng động, dám nghĩ dám làm

07:56, 10/04/2012

Năm 21 tuổi, chị Nguyễn Thị Yến cùng gia đình anh trai vào thôn 10, xã Ea Riêng (M’Drak) lập nghiệp. Một năm sau, chị lập gia đình, gánh nặng cơm áo bắt đầu đè nặng lên đôi vai vợ chồng trẻ. Thế nhưng, trong khốn khó lại nung nấu thêm ý chí làm giàu.

Chị Nguyễn Thị Yến đang thu hoạch hồ tiêu.
Chị Nguyễn Thị Yến đang thu hoạch hồ tiêu.

Dám nghĩ dám làm, sau một thời gian tìm hiểu về khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán nơi đây, năm 2003, chị Yến mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm cây hồ tiêu thay thế cho vườn cà phê đã già cỗi. Sau 3 năm vất vả, đến năm 2006, vườn nhà chị đã có 121 trụ hồ tiêu cho thu hoạch vụ đầu tiên. Tiêu trở thành cây trồng chủ lực của gia đình chị. Ước tính mỗi vụ một trụ tiêu cho thu hoạch từ 8-15 ký. Để có được một vườn tiêu xanh tốt, thẳng hàng thẳng lối, ngoài việc phải đầu tư chăm sóc, bón phân đầy đủ thì giống cây và kỹ thuật trồng cũng là một yếu tố quyết định.

Bên cạnh trồng tiêu, chị Yến còn đào ao thả cá. Với ao cá rộng hơn 1.500m2, chị thả đủ các loại cá như: trắm, trôi, chép, mè, rô phi. Không dừng lại ở đó, sau khi đã tích lũy được nguồn vốn kha khá, chị lại bàn với chồng quyết định đầu tư tất cả vốn liếng vào chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp hóa. Trên quy mô 2 chuồng được chia làm 8 ngăn, mỗi ngăn có thể thả được 20 con heo, với hệ thống cho ăn tự động, gia đình chị đã nuôi được gần 100 con heo, trong đó có 9 con heo nái, mỗi năm sinh sản 2 lứa, mỗi lứa bình quân đẻ được khoảng 90 con heo con. Để theo dõi chu kỳ sinh sản, chăm sóc heo mẹ tốt nhất ở mỗi ngăn, chị Yến đều gắn bảng hiệu và ghi chú rất cẩn thận thời gian phối giống, thời gian sinh sản, loại thức ăn… nhờ vậy chị có thể nắm chính xác thời gian đẻ của từng con heo mẹ. Heo con sau mười ngày ra đời sẽ được chị tách mẹ cho ra hệ thống chuồng chăm sóc riêng. Nhờ kỹ thuật chăn nuôi tốt, có khoa học, đàn heo của gia đình chị lớn nhanh và ít bị dịch bệnh. Mỗi năm chị xuất ra thị trường khoảng 14 tấn heo hơi. Đây là nguồn thu nhập chính và ổn định của gia đình chị. Việc chăn nuôi theo hướng công nghiệp còn giúp chị tiết kiệm chi phí nhờ hệ thống Bioga.

Hiện nay, mô hình kinh tế VAC đã mang lại cho gia đình chị Yến khoản thu nhập từ 300-400 triệu đồng mỗi năm. Nhờ có thu nhập cao và ổn định, vợ chồng chị đã có điều kiện lo cho các con ăn học đầy đủ và mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt có giá trị.

Là một hội viên phụ nữ, không những chỉ biết làm giàu cho bản thân gia đình, chị Yến còn sẵn sàng giúp đỡ chị em có hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn, thiếu vốn sản xuất cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Chị Yến luôn được xem là một tấm gương điển hình trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, ba sạch” của phụ nữ địa phương.

Mỹ Sự


Ý kiến bạn đọc