Tự hào những "kỹ sư chân đất"
Không bằng cấp, chưa từng qua trường lớp đào tạo nghề, nhưng với óc sáng tạo và đôi tay tài hoa, những “kỹ sư chân đất” đã nghiên cứu, sáng tạo thành công nhiều nông cụ hữu ích giúp người lao động đỡ vất vả và giảm chi phí sản xuất…
Giúp nông dân giải phóng sức lao động
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Bình Định, anh Nguyễn Văn Hải (thôn 3, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) chỉ học đến lớp 9 rồi phải ở nhà đi làm đỡ đần bố mẹ. Chứng kiến người dân quê mình khổ cực quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, anh Hải nung nấu suy nghĩ phải làm điều gì đó giúp bà con nông dân cũng như giúp chính gia đình mình bớt vất vả. Sẵn có chút kiến thức nghề cơ khí, anh Hải đã nghiên cứu chế tạo thành công chiếc máy gặt lúa rải hàng và đưa vào ứng dụng rộng rãi trong sản xuất. Tuy nhiên, do nhận thấy sản phẩm này có một số hạn chế như: cây lúa vừa cắt xong ngã đổ ra mặt ruộng, người dân phải đi gom từng bó rồi đưa lên máy tuốt, đó là chưa kể đến việc lúa bị dính bùn, đất… anh lại tiếp tục cải tiến, chế tạo chiếc máy gặt liên hợp đa năng thương hiệu “made in Nguyễn Văn Hải” và đưa vào đồng ruộng thử nghiệm. Anh Hải chia sẻ: “Vụ mùa đầu tôi gặt không công cho bà con để rút kinh nghiệm vì lúc đó mỗi ngày máy chỉ gặt được khoảng 7 sào. Đến mùa vụ thứ hai, máy gặt liên hợp đa năng hoàn thiện hơn và chính thức đưa vào sử dụng với công suất hoạt động 4 sào/giờ kể cả ruộng lúa ngập nước, sình lầy, khô hay ruộng bậc thang mà chỉ tốn nhiên liệu 1 lít dầu/sào. Tính ra trung bình mỗi ngày chiếc máy này có thể gặt được hơn 2 ha lúa, nhờ vậy đã tiết kiệm hàng chục công lao động, chi phí và thời gian”. Một người dân trong xã cho biết, trước đây gặt 1 sào lúa chi phí khoảng 1 triệu đồng để thuê nhân công gặt, thuê máy tuốt lúa, chưa kể việc lo cơm ăn, nước uống người lao động; nay có máy gặt thì chi phí còn khoảng 250-300 nghìn đồng (tùy theo ruộng khô hay sình lầy) vừa nhanh mà thóc lại sạch, không phải sàng bởi hạt lép đã được tách riêng trong quá trình tuốt. Bây giờ, ai cũng mừng vì có làm bao nhiêu ruộng lúa cũng không phải lo lắng phải thuê nhân công trong thời giá đắt đỏ mỗi khi vào vụ mùa.
Chiếc máy gặt liên hợp đa năng của nhà sáng chế Nguyễn Văn Hải giúp người dân trồng lúa giảm chi phí và công lao động. |
Điều đáng nói là nguyên vật liệu chế tạo chiếc máy gặt này chủ yếu là phế liệu từ máy nổ xe càng và sắt vụn, do đó, giá thành chỉ khoảng 180 triệu đồng, bằng ½ giá máy gặt lúa liên hợp nhập ở nước ngoài, lại có ưu điểm gặt được ở mọi địa hình, tốn ít nhiên liệu, ít hư hỏng. Hiện nay, anh Hải đã sản xuất và bán ra các tỉnh Bình Định, Gia Lai và nhiều huyện trên địa bàn tỉnh. Chiếc máy gặt lúa liên hợp đa năng của anh đã đoạt giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IV, năm 2013. Tuy nhiên, đối với anh, giải thưởng lớn nhất là có thể giúp đỡ người dân lao động và được bà con tin dùng sản phẩm của mình. Anh Hải khoe: “Tôi sắp hoàn thành một chiếc máy đa năng không chỉ gặt, tuốt được lúa mà có thể dùng cho tất cả các loại nông sản khác như ngô, đậu, góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân”.
“Vua” độ chế
Là bộ đội xuất ngũ, ông Hoàng Công Hải (thôn 3, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã sáng chế nhiều loại công-nông cụ hữu ích để giúp người dân từ vốn kinh nghiệm nghề thợ rèn của mìmh. Năm 1997 rời miền quê Hà Tĩnh vào vùng đất Ea Kao lập nghiệp, thấy cảnh người dân trồng sắn ở địa phương phải vất vả thái lát sau khi thu hoạch, ông đã nghiên cứu chế tạo máy cắt sắn với công suất 30 tấn sắn tươi/giờ, chi phí nhiên liệu cho mỗi giờ chỉ tốn khoảng 1,2 lít dầu. Sau thành công ban đầu, ông liên tiếp chế tạo thành công nhiều loại máy hỗ trợ người dân trong sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi. Cụ thể như hai loại máy cắt thức ăn chăn nuôi gồm một máy đút thức ăn trực tiếp (sử dụng tay để đưa thức ăn vào máy) và một loại quay cuốn tự động giúp người chăn nuôi không phải tốn nhiều thời gian trong việc thái thức ăn khi nuôi cá, heo, gà… với số lượng lớn. Chia sẻ về những đứa con tinh thần của mình, ông Hải phấn khởi nói: “Với tôi không có gì là không thể làm được mà chỉ chưa làm được thôi. Khi bà con nông dân cần một loại nông cụ nào và họ tìm đến hỏi thì tôi sẽ cố gắng làm; lần đầu không được thì kiên trì làm đi làm lại cho đến khi thành công. Vì thế, người dân nơi đây thường gọi tôi là ông “Vua” độ chế, tôi thấy rất vui và hạnh phúc”.
Ông Hoàng Công Hải và sáng kiến “Kéo cắt cành trụ tiêu trên cao” được giới chuyên môn đánh giá phù hợp với thực tiễn sản xuất ở Tây Nguyên. |
Chúng tôi càng cảm phục hơn khi được biết sau một vụ tai nạn nghề nghiệp, cánh tay trái đã bị tàn phế, nhưng ông không đầu hàng số phận mà vẫn say nghề và chế tạo ra nhiều loại máy, nông cụ hữu ích phục vụ bà con nông dân như máy búa, kéo cắt cành trụ tiêu trên cao. Sau khi nghiên cứu chiếc kéo cắt cành trụ tiêu (loại kéo ngoại nhập) của người dân đưa đến nhờ sửa chữa, ông Hải đã “chế” ra kéo cắt trụ tiêu trên với nhiều ưu điểm như: Kéo làm bằng thép cứng, nhỏ gọn, thanh mảnh nên không bị gãy ở đầu kéo; lưỡi cắt từ trên xuống nên thao tác cắt nhanh, không làm tổn thương đến thân cây… điều đặc biệt là giá thành chỉ 200 nghìn đồng, bằng 2/3 giá loại kéo ngoại nhập. Sản phẩm này đã được người nông dân trồng tiêu tin dùng mỗi khi đến thời kỳ cắt, chặt cành (một năm cắt từ 2-3 lần) vì giúp giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong quá trình trèo hay dùng móc câu liêm để cắt cành trên cao. Sản phẩm này đã đoạt giải Khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IV, năm 2013. Được biết, hiện ông Hải đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh thành lân cận như Dak Nông, Gia Lai. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hải mong muốn có thêm kinh phí để mở rộng việc sản xuất loại kéo này.
Không bằng lòng với những sản phẩm đã làm được, “Vua” độ chế Nguyễn Công Hải “bật mí” là sắp cho ra mắt một loại máy đa năng có thể cắt cành, làm cỏ, đào rãnh… phục vụ sản xuất cà phê.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc