Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu bằng nghề trồng hoa

10:40, 11/01/2015
Năm 1998, bà Nguyễn Thị Liên, rời xứ sở hoa Mê Linh (Hà Nội) vào tổ 5, khối 6, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) lập nghiệp. Bằng sự cần cù, chịu khó bà đã khai hoang được 5 sào đất để trồng hoa màu nhưng do đất đồi, sỏi đá, thiếu nước nên hiệu quả rất thấp.
 
Năm 1999 bà chuyển đổi 1 sào đất sang trồng 6.000 gốc hồng Pháp, sau 6 tháng chăm sóc, cây bắt đầu cho hoa ổn định. Năm 2000 bà chuyển đổi số diện tích còn lại sang trồng hoa hồng, cúc… Nhận thấy nghề trồng hoa cho thu nhập khá cao, thích hợp với vùng đất gia đình đang canh tác nên bà thuê thêm 5 sào lân cận để trồng hoa, nâng tổng diện tích lên 1 ha, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 500 triệu đồng, trong đó vụ tết thu về hơn 100 triệu đồng. Bà Liên cho biết, giá hoa hồng dao động từ 1.000 – 2.000 đồng/bông, riêng các ngày lễ: Valentine, 8 – 3, 20 - 11, 20 - 10… tăng lên gấp ba lần nên trước ngày lễ khoảng ba tháng cho cây nghỉ dưỡng sức, cắt cành để cây mọc chồi mới, cắt bỏ những cành nhỏ, chồi nhỏ để cho hoa to đồng đều… Nếu chăm sóc tốt, cây hoa hồng có thể cho thu hoạch trong 7 năm. Còn với hoa cúc thì thời gian gieo trồng từ 2,5 – 3 tháng tùy loại, cách chăm sóc cũng đơn giản hơn, chỉ cần nghỉ chong đèn khoảng 20 ngày là nhà vườn có hoa để bán. Hiện tại, ngoài hoa hồng gia đình bà còn trồng thêm 1.000 chậu cúc các loại phục vụ mùa tết sắp tới. Không chỉ làm giàu cho gia đình, vườn hoa của bà Liên còn giải quyết công ăn việc làm cho 3 lao động với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Liên đang chăm sóc vườn hoa hồng.
Bà Nguyễn Thị Liên đang chăm sóc vườn hoa hồng.

Bà Đặng Thị Hồng Thoan, cán bộ khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột cho biết, vườn hoa của gia đình bà Liên là một trong những mô hình điển hình trong việc thích ứng với điều kiện khí hậu trong sản xuất, biến cái bất lợi - địa hình thung lũng, núi đồi bao quanh không thích hợp trồng hoa màu thành vườn hoa thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.