Multimedia Đọc Báo in

Những chàng trai của núi rừng

21:29, 06/01/2015

Dù xuất thân nghèo khó nhưng bằng sự quyết tâm cùng khát vọng của tuổi trẻ, những chàng trai dân tộc thiểu số không chỉ mạnh dạn tìm cho mình hướng đi phù hợp để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Triệu phú buôn Aring

Trước đây, gia đình Y Thung Ayun (buôn Aring, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) rất khó khăn do ít đất sản xuất lại đông anh em nên cảnh thiếu ăn từng bữa thường xuyên xảy ra. Cũng vì khó khăn Y Thung phải nghỉ học từ lớp 11, hằng ngày đi làm rẫy cùng bố mẹ, những lúc rảnh thì đi làm thuê. Thấy Y Thung vất vả, nhiều người khuyên đi xứ khác làm ăn nhưng anh không nghe mà quyết ở lại tìm cách làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. “Sở dĩ người ta giàu bởi biết tính toán làm ăn. Ông bà mình đã từng nói cuộc đời “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, nên cái chính giàu hay không vẫn do mình chứ không phải do vùng đất”, Y Thung giải thích.

Y Thung Ayun thu hoạch cà phê.
Y Thung Ayun thu hoạch cà phê.

Để thực hiện ước mơ, Y Thung bắt đầu từ việc dành dụm vốn. Số tiền công đi làm thuê, Y Thung phụ giúp bố mẹ một phần, phần khác bỏ heo đất tích lũy. Qua đọc báo, Y Thung thấy nhiều hộ dân làm giàu nhờ mô hình nuôi vịt trang trại nên quyết định đầu tư theo hướng này. Sau khi đến các hộ có trang trại nuôi vịt để tham khảo, Y Thung về đập heo đất, đồng thời vay thêm 2 triệu đồng để làm chuồng, mua con giống. Ban đầu, chưa có kinh nghiệm nên mấy lần nuôi vịt đều mắc bệnh chết dần. “Tôi không nản chí mà tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của các hộ nuôi vịt, tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chăn nuôi và nghiên cứu thêm từ Internet. Từ đó, tôi tìm ra được nguyên nhân vịt chết là do mình chưa biết cách chăm sóc, không thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng và tiêm phòng vắc xin phòng trừ dịch bệnh.”, Y Thung kể. Sau khi rút ra kinh nghiệm, Y Thung tiếp tục tái đầu tư đàn vịt. Kết quả, đàn vịt của anh nhanh chóng sinh sôi nảy nở, hiện nay luôn duy trì ở mức 1.000 con. Mỗi con nuôi khoảng 3 tháng có trọng lượng 2kg, mỗi đợt xuất chuồng khoảng 600 con với giá 100.000 đồng/con. Tiền lời từ mô hình nuôi vịt, Y Thung để đầu tư, cải tạo 1 ha cà phê cằn cỗi. Trừ mọi chi phí, mỗi năm, Y Thung thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chàng trai 23 tuổi này còn tích cực trong công tác Đoàn. Anh Y Su Adrơng, Bí thư Đoàn xã Cuôr Đăng cho biết: “Dù tuổi còn rất trẻ nhưng Y Thung xứng đáng là điển hình trong lao động, sản xuất tại địa phương. Là thành viên tích cực trong các hoạt động của cơ sở Đoàn, Y Thung thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất để cùng phát triển kinh tế nên được mọi người nơi đây tin yêu, tín nhiệm”.

Phát triển kinh tế nhờ biết “lấy ngắn nuôi dài”

Ở buôn Tơ Lơ, xã Ea Na (huyện Krông Ana) ai cũng biết Thổ Hải (dân tộc Chu Ru) là một người làm kinh tế giỏi và nhiệt tình trong công tác xã hội.

Hiện gia đình anh có đàn dê 40 con, cộng với thu nhập từ 1,2 ha cà phê, 2 sào lúa, mỗi năm, trừ các khoản chi phí cho thu nhập hơn 160 triệu đồng, ngoài ra còn tạo được công ăn việc làm cho 3 lao động với lương ổn định 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Theo anh Hải, để kinh tế gia đình khấm khá như hiện nay cũng nhờ thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Anh Thổ Hải phơi cà phê mới thu hoạch.
Anh Thổ Hải phơi cà phê mới thu hoạch.

Chuyện bắt đầu từ năm 1997, anh Hải kết hôn với chị H’Ngôn Buôn Krông và dọn ra ở riêng. Hồi ấy, có rẫy nhưng thiếu vốn nên thay vì trồng cà phê, anh lại trồng khoai, sắn cho thu nhập không cao. Vợ chồng anh quyết định đầu tư chăn nuôi để tạo nguồn vốn, sau đó sẽ lấy tiền lời để cải tạo vườn rẫy. Sau khi tham khảo một số mô hình, anh Hải mạnh dạn vay tiền mua 5 con dê Bách Thảo về nuôi thí điểm. Kết quả sau 1 năm, đàn dê sinh được 20 con. Thấy hiệu quả, anh mua thêm về nuôi, đàn dê sinh sôi nhanh chóng. Mỗi năm gia đình thu nhập hàng chục triệu đồng từ tiền bán dê thịt và dê con. “Nuôi dê là mô hình chăn nuôi ít tốn kém về kinh phí đầu tư ban đầu so với các mô hình chăn nuôi khác vì nguồn thức ăn chính là cỏ, lá cây các loại và các phụ phẩm nông nghiệp nên rất dễ tìm, lại có đầu ra ổn định. Tuy nhiên, dê cũng dễ bị bệnh nên đặc biệt phải theo dõi sát quá trình sinh trưởng để phát hiện bệnh, có biện pháp xử lý kịp thời và vệ sinh chuồng trại thường xuyên. Dê sinh sản rất nhanh, 6 tháng thì dê cái sinh, mỗi lần từ 1 - 2 con. Sau 4 tháng, nếu chăm sóc tốt dê có thể đạt từ 30-35 kg/con và được bán với giá từ 100.000-120.000/kg”, anh Hải chia sẻ. Khi đã có nguồn thu nhập ổn định từ chăn nuôi dê, anh Hải mua thêm đất để trồng cà phê và lúa. Nhờ cần cù, chăm chỉ trong lao động, sản xuất, gia đình anh Hải đã vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo của xã.

Không chỉ tìm cách làm giàu cho gia đình, anh Hải còn đi đầu trong việc giúp đỡ những hộ gia đình đặc biệt khó khăn bằng cách hỗ trợ con giống không tính lãi, thường xuyên đến tận nhà để chia sẻ kiến thức, kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi, từ đó giúp nhiều hộ phát triển sản xuất. Với những cố gắng và đóng góp của mình, anh Hải là tấm gương tiêu biểu, điển hình cho thanh niên dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, góp phần tích cực vào phong trào phát triển kinh tế bền vững tại địa phương.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.