Thoát nghèo nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
Đất canh tác ít, không có vốn đầu tư, trước đây vợ chồng chị Phạm Thị Dịu (thôn 4, thị trấn M'Đrắk, huyện M’Đrắk) phải làm phụ hồ để kiếm sống. Mặc dù làm việc rất chăm chỉ song cuộc sống của gia đình chị vẫn rất khó khăn.
Năm 2006, chị được Hội Phụ nữ thị trấn M’Đrắk đứng ra tín chấp cho vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn của Hội Phụ nữ tỉnh. Chị Dịu dùng số tiền này mua 6 sào rẫy. Với phương châm tích tiểu thành đại, lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi cộng thêm sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo trong lao động, sau 3 năm chị đã trả được cả lãi lẫn gốc và tích góp thêm được một số vốn để đầu tư chăn nuôi.
Chị Phạm Thị Dịu trong vườn cà tím của gia đình. |
Đầu năm 2015, sau khi được Hội Phụ nữ thị trấn M'Đrắk tổ chức cho đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình trồng cà tím Nhật Bản đạt hiệu quả cao ở địa phương, chị Dịu về bàn bạc với chồng mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm khoảng hơn 1.800 gốc cà tím Nhật Bản, tương đương với 3 sào đất. Theo chị Dịu, cà tím Nhật Bản là loại cây rất thích hợp với vùng khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương, dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu thấp mà lại cho thu nhập cao so với cây trồng khác. Sau khoảng 3 tháng trồng, cà tím đã cho thu hoạch lứa đầu, quả đạt trọng lượng từ 75-85 gram, chiều dài từ 10-13 cm, thời gian thu hoạch của cây cà tím kéo dài liên tục từ 7-8 tháng; đem lại cho gia đình chị nguồn thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Ngoài trồng cà tím, gia đình chị Dịu còn đầu tư chăn nuôi heo nái, nuôi bò thương phẩm, phát triển kinh tế rừng, trồng lúa...
Nhờ năng động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, gia đình chị Dịu từ thiếu thốn vươn lên làm giàu và hiện nay trở thành gia đình có tiềm lực về kinh tế vào loại khá của thôn 4, thị trấn M'Đrắk. Chị Dịu còn là một hội viên phụ nữ năng nổ nhiệt tình trong công tác xã hội, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc