Nghịch lý trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2012-2015
Theo Nghị quyết số 81 ngày 21-12-2012 của HĐND tỉnh về Chương trình Việc làm và Dạy nghề tỉnh Dak Lak giai đoạn 2012-2015, trong 4 năm toàn tỉnh sẽ đào tạo nghề cho 6.400 lao động nông thôn (LĐNT). Chỉ tiêu này chỉ bằng 40% kết quả thực hiện giai đoạn 2006-2010 và bằng 70% nhu cầu đào tạo nghề LĐNT của 1 năm…
Nhu cầu lớn - kế hoạch nhỏ
Lớp dạy nghề may ở Trung tâm dạy nghề huyện Krông Năng. |
Đầu năm 2012, kết quả khảo sát của Sở LĐTB&XH cho thấy toàn tỉnh hơn 8.000 LĐNT có nhu cầu học nghề. Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 2010-2015 của tỉnh được xây dựng năm 2010 cũng đề ra: trung bình mỗi năm cần đào tạo hơn 23.000 lao động (bao gồm cả hơn 8.000 LĐNT) để đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 40% vào năm 2015. Vậy nhưng ngày 21-12-2012, HĐND tỉnh đã thông qua Đề án và ra Nghị quyết số 81 về Chương trình Việc làm và Dạy nghề tỉnh Dak Lak giai đoạn 2012-2015. Theo đó, trong 4 năm toàn tỉnh sẽ chỉ đào tạo nghề cho 6.400 LĐNT, nghĩa là trung bình mỗi năm đào tạo 1.600 LĐNT. Con số này quá nhỏ so với mục tiêu chung trong Đề án 1956 của tỉnh là năm 2015 tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề đạt 40%.
Nghịch lý trong kinh phí đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất
Đối với dạy nghề cho LĐNT, ngoài kinh phí đào tạo còn cần kinh phí để xây dựng các Trung tâm dạy nghề huyện. Hiện nay vẫn còn 7 Trung tâm chưa hoàn thành: Ea Súp, Cư Kuin xây dựng 3 năm chưa xong; Buôn Đôn, M’Drak, Lak mới khởi công đầu năm 2012 còn Krông Bông và Krông Pak chưa khởi công. Mỗi Trung tâm dạy nghề huyện được thiết kế với tổng mức đầu tư theo dự toán từ 9 tỷ đến 12,5 tỷ đồng. Nhưng mỗi năm Trung ương chỉ “rót” về tỉnh cao nhất chưa đến 20 tỷ đồng (năm 2011 là 15 tỷ đồng; năm 2012 là 19,5 tỷ đồng), kế hoạch năm 2013 sẽ là 13 tỷ đồng. Trước đây, nguồn kinh phí này có thể chia đều cho các huyện. Nhưng theo Chỉ thị số 1792 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15-10-2011 quy định: “Việc bố trí vốn cho dự án mới năm 2012 phải bảo đảm tổng số vốn bố trí cho từng dự án tối thiểu bằng 35% so với tổng vốn đầu tư được phê duyệt (đối với dự án nhóm C)…” Chính vì vậy, nguồn vốn ít ỏi được phân bổ hàng năm rất khó cho việc bố trí xây dựng các Trung tâm dạy nghề nên có 2 Trung tâm chưa thể khởi công (vì còn ưu tiên cho những công trình sắp hoàn thành…).
Dạy nghề mây tre đan cho LĐNT ở xã Ea Knuêc, Krông Pak. |
Một bất cập nữa trong vấn đề kinh phí là trang thiết bị cho các Trung tâm dạy nghề huyện. Với một số Trung tâm đã hoàn thành thì trang thiết bị dạy học còn thiếu. Với các Trung tâm đã có Quyết định hoạt động nhưng chưa được xây dựng trụ sở hoặc đang xây dở dang thì hoàn toàn dạy… chay. Đơn cử như Trung tâm dạy nghề Krông Pak đã tham gia dạy nghề 2 năm nay nhưng lớp học thì mượn phòng của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện và chưa hề có trang thiết bị dạy học, vì theo Sở Kế hoạch-Đầu tư thì phải hoàn thành cơ sở vật chất mới được mua trang thiết bị…
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐTB&XH) giải thích: Một trong những căn cứ quan trọng để Sở LĐTB&XH xây dựng chỉ tiêu dạy nghề cho LĐNT giai đoạn 2012-2015 thấp hơn nhiều so với Đề án 1956 giai đoạn 2010-2015 là vấn đề kinh phí. Năm 2010, kinh phí được cấp dạy nghề miễn phí cho các đối tượng LĐNT nghèo, dân tộc thiểu số, tàn tật…là 6 tỷ đồng (đào tạo cho 2.296 người); năm 2011 kinh phí Trung ương cấp hơn 5 tỷ đồng (dạy nghề cho 2.135 LĐNT); năm 2012, dựa theo nhu cầu thực tiễn, kế hoạch đề ra là dạy nghề cho 8.136 lao động với 234 lớp và dự toán nguồn kinh phí 24 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn Trung ương cấp 4,5 tỷ đồng, bằng 17% dự toán, nên chỉ đào tạo được 1.714 LĐNT (đạt 22% kế hoạch)…
Dạy nghề cho LĐNT được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược nâng cao nguồn nhân lực của quốc gia, nhưng ngân sách cấp quá hạn hẹp, thậm chí ngân sách tỉnh không có khoản chi này. Theo kinh nghiệm từ một số tỉnh đạt kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT cao như Cà Mau, Hậu Giang, Đồng Nai đều chủ yếu thực hiện từ nguồn ngân sách của địa phương. Đồng Nai năm 2012 đào tạo nghề cho hơn 10.000 LĐNT, trong đó kinh phí địa phương là 30 tỷ đồng (năm 2011 là 28 tỷ đồng…)
Từ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh nghịch lý: Hiện nay, chỉ mới có một nửa số Trung tâm dạy nghề được xây dựng hoàn thành nhưng chưa sử dụng hiệu quả. Có Trung tâm cả năm chỉ dạy được vài lớp, có Trung tâm không dạy được lớp nào. Trong khi quy mô theo thiết kế xây dựng trung bình mỗi năm một Trung tâm đào tạo từ 500 đến 1000 học viên. Vậy sau này khi cả 14 Trung tâm dạy nghề huyện, thị xã đều hoàn thành đi vào hoạt động mà cũng với chỉ tiêu đào tạo 1.600 LĐNT mỗi năm thì các Trung tâm dạy nghề sẽ lại tiếp tục “ngồi chơi xơi nước” và lãng phímột khối tài sản lớn hàng trăm tỷ đồng!
Nghịch lý về nguồn nhân lực
Bên cạnh đó là một loạt những khó khăn khác tác động đến số lượng và chất lượng dạy nghề LĐNT như: cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương chưa thực sự đi sâu, đi sát chỉ đạo và thực hiện Đề án, công tác dạy nghề chưa được quan tâm đúng mức; đào tạo nghề cho LĐNT chưa gắn với nhu cầu xã hội. Một số địa phương mới chú trọng đào tạo một số ngành nghề cơ bản cho LĐNT, chưa chú trọng lợi thế về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, ngành nghề truyền thống của địa phương… Đây cũng là lý do khiến người lao động chưa coi đào tạo nghề là nhu cầu, yếu tố cần thiết để bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình. Mặt khác, hầu hết các Trung tâm dạy nghề đều không có chỗ nội trú cho học viên nên nhiều nông dân ở các địa phương có mong muốn được học nghề cũng không thực hiện được vì đi lại quá xa. Đặc biệt, với nhiều nông dân học nghề xong họ không có vốn để tự đứng ra tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Một khó khăn nữa là đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về dạy nghề trên địa bàn tỉnh còn thiếu, ở phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã một số cán bộ được bố trí làm công tác dạy nghề có trình độ chuyên môn không phù hợp, lại phải kiêm nhiệm; các cơ sở dạy nghề cấp huyện cơ bản mới được thành lập, cơ sở vật chất thiếu thốn, bộ máy quản lý chưa được kiện toàn (14 Trung tâm dạy nghề mới chỉ có 63 cán bộ quản lý, trong đó có những trung tâm như M’Drak chỉ có một giám đốc, Krông Bông, Lak, Cư M’gar, Ea Súp chỉ có 3 người-giám đốc, phó giám đốc và 1 cán bộ). Đội ngũ giáo viên cơ hữu còn thiếu trầm trọng, 9 Trung tâm dạy nghề hoàn toàn không có giáo viên biên chế, trình độ và kỹ năng dạy nghề còn thấp… Những nghịch lý trên gây trở ngại không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề LĐNT của tỉnh.
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc