Multimedia Đọc Báo in

“Cầu nối” thanh niên với việc làm

00:26, 23/12/2012

Với nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, thu thập, phân tích và cung ứng thông tin về thị trường lao động, dạy nghề… những năm qua, Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) tỉnh đã trở thành địa chỉ tin cậy, là “cầu nối” giải quyết việc làm cho phần lớn người lao động trong độ tuổi thanh niên.

Nhân viên TTGTVL đăng tải các thông tin của người cần tìm việc lên Website.
Nhân viên TTGTVL đăng tải các thông tin của người cần tìm việc lên Website.

Toàn tỉnh có trên 470.000 thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30, trong đó thanh niên chưa qua đào tạo nghề chiếm 67%, tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, khả năng tiếp cận thông tin về việc làm còn hạn chế. Để công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động thanh niên đạt hiệu quả, TTGTVL đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như: duy trì Sàn giao dịch việc làm vào ngày 15 hằng tháng; tổ chức ngày tuyển dụng, ngày việc làm tại trung tâm các xã, cụm xã; cho vay vốn giải quyết việc làm; sửa đổi bổ sung chính sách ưu đãi cho phù hợp để đẩy mạnh xuất khẩu lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, phân tích đánh giá tình hình về lao động, giải quyết việc làm một cách khoa học chính xác, kịp thời. Đồng thời đề xuất các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, trang trại tiếp nhận một số đối tượng đặc thù như lao động là người dân tộc thiểu số, lao động khuyết tật, lao động hộ nghèo…. vào làm việc. Ông Lê Hạnh, Giám đốc TTGTVL tỉnh cho biết: “Thông qua sàn giao dịch, người lao động và các doanh nghiệp có thể cùng trao đổi, thỏa thuận điều kiện làm việc trước khi ký hợp đồng ”.

Với tinh thần giải quyết việc làm phải theo nhiều “kênh” khác nhau như: tự tạo việc làm tại chỗ, đưa lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, TTGTVL tỉnh đã triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg với các nghề chủ yếu như: sửa chữa điện tử điện lạnh, máy vi tính, xe máy, máy nông nghiệp, tin học văn phòng, kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây nông nghiệp … Từ năm 2009 đến năm 2012, Trung tâm phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức được 64 điểm tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm tại 15 huyện, thị xã, thành phố thu hút 10.840 lượt thanh niên tham gia, trong đó có 1.000 người đăng ký tìm việc làm. Anh Đỗ Ngọc Huy, nhân viên kinh doanh Công ty TNHH Phương Nhi (thôn 1, xã Cư Êbur, TP.Buôn Ma Thuột) cho biết: “Trước đây, tôi đi xin việc một vài nơi nhưng họ trả lương rất thấp vì không có bằng cấp, đến TTGTVL tỉnh tôi được tư vấn, giới thiệu công việc phù hợp với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng, có việc làm ổn định gia đình tôi bớt khó khăn hơn”.  Anh Nguyễn Văn Cường, cán bộ Phòng Giới thiệu việc làm cho biết: “Trong 5 năm (2007-2012), Trung tâm đã tổ chức 17 ngày hội việc làm, ngày tuyển dụng tại 13 huyện, thị xã với hàng chục lượt doanh nghiệp và 24.000 lượt người tham gia, trong đó có 9.000 lượt người đăng ký tìm việc làm, học nghề. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều lao động tiếp cận thông tin từ phía doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề để đăng ký tìm việc, học nghề, đồng thời giúp chính quyền địa phương, người dân hiểu rõ hơn về việc làm trong cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, giúp các lao động trẻ chủ động, năng động hơn trong tìm kiếm việc làm”.

Trong công tác tuyển sinh và tư vấn học nghề, Trung tâm đã xuống tận các thôn, buôn, khu dân cư để tư vấn về những nghề mà thị trường đang có nhu cầu cũng như độ tuổi của người lao động cho phù hợp. Đơn cử đối với lao động trẻ thì hướng nghiệp học những ngành nghề phi nông nghiệp để vào làm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; với lao động lớn tuổi thì hướng cho họ học nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt… vừa phù hợp với trình độ nhận thức, vừa góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho người lao động. Nhờ đó công tác dạy nghề có bước phát triển, chất lượng ngày càng được nâng lên, 5 năm qua Trung tâm đã tuyển mới và dạy nghề cho 88.814 người (tăng bình quân 15-20%/năm), lứa tuổi thanh niên chiếm 90%; giải quyết việc làm cho 148.000 lao động, trong đó lao động thanh niên chiếm 75%, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị từ 3,34% xuống còn 2,96%, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 25,5% lên 33%.

Ngoài ra, nhằm hạn chế rủi ro cho người lao động khi mất việc TTGTVL đã vận động người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ông Lê Hạnh, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Bảo hiểm thất nghiệp được xem như “bà đỡ” cho người lao động không may bị mất việc làm do thị trường biến động mà chưa tìm được công việc mới. Nếu bị thất nghiệp mà chưa tìm được việc làm thì người lao động vẫn được hưởng một phần thu nhập hằng tháng và nhiều quyền lợi khác. Vì vậy khi gặp rủi ro mất việc làm, người lao động cần đến ngay TTGTVL tỉnh đăng ký thất nghiệp để được hưởng chế độ theo luật định”.

Với những kết quả đạt được, TTGTVL tỉnh đang nỗ lực nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động trẻ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và trở thành một địa chỉ tin cậy, là người bạn đồng hành của lực lượng lao động trẻ.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.