Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới
15:59, 17/07/2013
Sáng nay 17-7, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm (2010-2012) thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956). Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.
Ở điểm cầu Dak Lak, tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” và lãnh đạo Trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố, thị xã.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Dak Lak |
Một buổi thực hành dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động người dân tộc thiểu số tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Dak Lak. Ảnh: Hoàng Dưỡng |
Các báo cáo, tham luận tại hội nghị cũng đã nêu rõ những tồn tại, yếu kém trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cụ thể là công tác dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; việc triển khai công tác này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với đặc điểm của từng vùng, ngành kinh tế. Một số nơi dạy nghề còn chạy theo số lượng, chất lượng thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động…
Trong 3 năm tới (2013-2015), Đề án đặt ra mục tiêu hỗ trợ dạy nghề cho hơn 2 triệu lao động nông thôn, trong đó có từ 70% người học xong có việc làm mới hoặc làm nghề cũ nhưng có năng suất, hiệu quả cao hơn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực cho 300.000 lượt cán bộ, công chức xã; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đối với các trung tâm dạy nghề… Để thực hiện được những mục tiêu này, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các địa phương cần xác định dạy nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp quan trọng nhất trong phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục củng cố Ban Chỉ đạo Đề án cấp huyện, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề; triển khai đào tạo nghề gắn với thực tiễn sản xuất, đặc biệt phải hướng đến tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo; chuẩn bị cho công tác sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên và các trung tâm dạy nghề thành một trung tâm chung thuộc UBND cấp huyện thực hiện các chức năng, nhiệm vụ: Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp – Dạy nghề - Giới thiệu việc làm…
Hồng Thủy
Ý kiến bạn đọc