Cây mai dương xâm thực trên diện rộng
16:51, 07/05/2010
Những năm gần đây, tình hình phát sinh và xâm hại của một số loại thực vật như tơ hồng, bèo Nhật Bản và mai dương có xu hướng gia tăng, nhất là cây mai dương đã tác động xấu đến sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh ta.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Điền kiểm tra sự xâm thực của cây mai dương trên đồng ruộng |
Quả và hạt của cây mai dương rất dễ phát tán trong gió. |
Xuất phát từ tình hình thực tế đó, chương trình tiêu diệt cây mai dương được xem là tiêu điểm trong chỉ thị 01/2009/CT – UBND tỉnh về việc đẩy mạnh công tác phòng trừ thực vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chi cục BVTV đã tổ chức được 28 cuộc tập huấn, với trên 1.400 lượt người tham dự, phát 12.000 tờ rơi đến tất cả các địa phương trong tỉnh, cùng với việc chỉ đạo và vận động mọi lực lượng ở cơ sở đồng loạt ra quân sử dụng nhiều biện pháp diệt trừ cây mai dương. Krông Ana là một trong những huyện có diện tích cây mai dương lớn nhất, năm qua, trạm BVTV huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phát động tiêu diệt được trên 3 ha cây mai dương. Với khẩu hiệu, “thấy đâu, chặt đó”, trong năm nay, huyện phấn đấu sẽ diệt trừ khoảng 10 ha loại cây này. Tuy nhiên, do gốc của cây mai dương dễ mọc mầm trở lại nên chỉ sau vài tháng, những diện tích đã tiêu diệt lại tái mọc, đòi hỏi mất nhiều thời gian và công sức. “Để diệt được 1 ha cây mai dương, cần ít nhất 50 ngày công lao động chặt đốt, dẫu rất khó khăn, tốn kém, nhưng đây vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất”, anh Huỳnh Đức Quốc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Điền nói. Ngoài biện pháp thủ công, việc kết hợp sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất Glyphosate, Picloram + 2,4D, Ally 20DF với liều lượng 3,5 đến 4 lít/ha, phun khi cây còn nhỏ hoặc khi chồi non mới mọc sẽ mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, nếu sử dụng biện pháp này, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất đất, các loại cây trồng khác, môi trường sống của con người và chi phí rất tốn kém.
Năm qua, các huyện Lak, Cư Kuin, Buôn Đôn, Krông Pak và TP.Buôn Ma Thuột cũng đã phân bổ kinh phí 137 triệu đồng để các xã tiến hành diệt trừ cây mai dương. Nhìn chung, công tác tổ chức triển khai phòng trừ cây mai dương trên địa bàn tỉnh đã được một số huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo, nhưng chưa đồng bộ và quyết liệt, kinh phí cho công tác này còn thấp nên diện tích mai dương bị triệt hạ hằng năm giảm không đáng kể. Để phòng trừ cây mai dương trong thời gian tới đạt kết quả khá hơn, ngay từ đầu năm 2010, Chi cục BVTV tỉnh đã và đang phối hợp với các trạm BVTV cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai hội nghị và mở lớp tập huấn về cách xử lý cây mai dương ở các địa phương trong tỉnh.
Năm 2007, hơn 1.000 ha đất quanh hồ Trị An (Đồng Nai) bị cây mai dương xâm thực, khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng, làm chết rụi thảm thực vật bám quanh hồ. Cuối năm 2008, cây mai dương xâm lấn 2000 ha Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), “đuổi” sếu đầu đỏ ra khỏi khu vực này. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp cây mai dương vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm nhất. Bộ NN & PTNT cũng xếp loại cỏ hại này nằm trong danh mục 150 loại động, thực vật cần tiêu diệt. |
Hoàng Tuyết
Việc phòng trừ cây mai dương trên toàn tỉnh chưa được chú ý đúng mức
Theo báo cáo của Sở NN-PTNN về việc đôn đốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/2009/CT-UBND, ngày 26-5/2009 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh công tác phòng trừ thực vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh, thì công tác triển khai phòng trừ cây mai dương chưa được các cơ sở chú ý đúng mức.Được biết, cây mai dương đã có mặt trên tỉnh với tổng diện tích là 580,8 ha (giảm 18,6 ha so với năm 2009), tập trung nhiều tại một số huyện: Krông Pak, Krông Ana, Krông Bông, Ea Kar, Lak… Nhưng tính tới giữa cuối tháng 3-2010 mới có 8/15 huyện, thành phố, thị xã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai diệt trừ cây mai dương và 2/15 huyện, thành phố, thị xã tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 01/2009/CT-UBND, cũng như các biện pháp diệt trừ cho chủ tịch UBND các xã, thị trấn và các chủ tài nguyên thực vật trên địa bàn quản lý. Kinh phí bố trí cho công tác tập huấn và xây dựng mô hình phòng trừ cây mai dương tại cơ sở cũng rất hạn chế với tổng kinh phí: 137 triệu đồng cho 6 huyện và thành phố. Hiện đang ở cuối mùa khô, hạn là thời điểm thích hợp để tổ chức phát động diệt trừ cây mai dương nên Sở NN-PTNN cũng đề nghị các huyện, thành phố và thị xã đẩy mạnh công tác phòng trừ thực vật ngoại lai xâm hại để công tác trừ cây mai dương được tiến hành đồng bộ trên toàn tỉnh.
Gia Thịnh
|
Ý kiến bạn đọc