Nỗ lực tìm tiếng nói chung vì sự phát triển bền vững của cả lưu vực Sê San - Sêrêpôk - Sê Kông
14:23, 04/06/2010
Lưu vực 3S (sông Sê San, Sêrêpôk và Sê Kông) là ba trong số các nhánh sông lớn của hệ thống sông Mê Kông. 3S được thế giới công nhận có môi trường sinh thái đa dạng và đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống của cộng đồng cư dân quanh lưu vực. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển kinh tế, ba con sông đều bắt nguồn từ Tây Nguyên này đang đứng trước những thách thức, đòi hỏi sự kết nối và tăng cường hợp tác của các quốc gia, địa phương với mục tiêu vì một lưu vực 3S có kinh tế thịnh vượng và phát triển bền vững…
Cùng ngắm bức tranh 3S...
3S có diện tích lưu vực 78.650 km2, đóng góp khoảng 20% tổng lượng dòng chảy và 15-40% lượng phù sa cho sông mẹ Mê Kông. Sông Sê Kông chảy qua Lào rồi hợp nhất với Sê San và Sêrêpôk chảy từ Việt Nam xuống tại Campuchia. Cư dân trong vùng 3S gồm nhiều dân tộc với bản sắc văn hóa khác nhau, sinh sống chủ yếu dựa trên việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên như trồng lúa, câu cá, khai thác lâm sản, buôn bán nhỏ. Theo đánh giá của các chuyên gia, lưu vực 3S, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.
3S có diện tích lưu vực 78.650 km2, đóng góp khoảng 20% tổng lượng dòng chảy và 15-40% lượng phù sa cho sông mẹ Mê Kông. Sông Sê Kông chảy qua Lào rồi hợp nhất với Sê San và Sêrêpôk chảy từ Việt Nam xuống tại Campuchia. Cư dân trong vùng 3S gồm nhiều dân tộc với bản sắc văn hóa khác nhau, sinh sống chủ yếu dựa trên việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên như trồng lúa, câu cá, khai thác lâm sản, buôn bán nhỏ. Theo đánh giá của các chuyên gia, lưu vực 3S, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long.
Việc xây dựng nhiều công trình thủy điện với mật độ dày đặc sẽ kéo theo hệ quả là tạo nên thách thức lớn đối với môi trường lưu vực 3S. |
Trong xu thế hội nhập, các quốc gia đang thực hiện nhiều chương trình dự án để tăng trưởng kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh, hệ lụy là ít nhiều đã tác động đến bức tranh toàn lưu vực. Nổi lên đó là vấn đề diện tích tưới mở rộng, cụ thể tăng lên từ 66,135 ha vào những năm 2000 và dự kiến sẽ lên 129,134 ha vào năm 2015. Phát triển thủy điện và thăm dò khai thác khoáng sản ở lưu vực sông Mê Kông cũng là những “nước cờ” của các quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng và thu lợi nhuận. Nhưng điều đáng nói ở đây là mật độ và mức gia tăng nhanh của các dự án đã trở thành những thách thức đối với môi trường lưu vực. Nếu như năm 2000, toàn lưu vực chỉ có 4 đập thủy điện thì hiện tại đã có 41 đập được lên kế hoạch xây dựng với tổng công suất gấp nhiều lần và đến năm 2015 có thể thêm 19 đập mới. Nhiều dự án thăm dò và khai thác khoáng sản ở Lào, Campuchia cũng đã, đang và chuẩn bị thực hiện. Đơn cử như tại Lào hiện có 27 dự án thăm dò khai thác khoáng sản ở lưu vực sông Sê Kông; Campuchia hiện đã có 22 giấy phép khai thác khoáng sản. Tất nhiên việc phát triển thủy điện sẽ phân bổ lại nước từ mùa mưa sang mùa khô và vì vậy làm tăng dòng chảy mùa khô. Tuy nhiên thay đổi dòng chảy theo mùa là tương đối nhỏ không đáng kể so với biến động dòng chảy hạ du hàng ngày do vận hành phủ đỉnh các đập thủy điện. Theo đó sẽ có tác động tiêu cực lên nguồn tài nguyên thủy sản, hệ sinh thái và sinh kế của người dân ở hạ du. Minh chứng là năm 1997 thảm thực vật của lưu vực này chiếm khoảng 68%, nhưng đến nay trên 80% rừng đã bị tàn phá nghiêm trọng. Chất lượng nước và lượng phù sa cũng thay đổi. Theo tính toán của các chuyên gia, các đập thủy điện ở lưu vực 3S có thể giữ lại từ 10-40% lượng phù sa đổ vào dòng chính Mê Kông, làm giảm phù sa ở vùng châu thổ trong tương lai gần và tăng xói lở đáy, bờ. Về tác động xã hội, sẽ có rất nhiều người dân đang phụ thuộc vào tài nguyên ở lưu vực này bị ảnh hưởng. Cụ thể việc xây dựng các đập thủy điện sẽ khiến 10.600 người ở lưu vực sông Sê Kông; 29.000 người ở Sê San và 26.000 người ở Sêrêpôk phải di dời. Số lượng nhân khẩu của khu vực thay đổi nhanh chóng, sự di cư sẽ làm tăng áp lực lên nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan với sự cạnh tranh lớn trong sử dụng nước và các đơn vị dùng nước.
Để tìm tiếng nói chung
Trăn trở trước bức tranh toàn cảnh lưu vực 3S, các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các nhà nghiên cứu đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm xây dựng một 3S có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, bền vững, bảo đảm công bằng. Xung quanh vấn đề này một cuộc hội thảo quy mô quốc gia đã được tổ chức trong tháng 4 vừa qua tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Hội thảo do Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam (MRC) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chủ trì với mục tiêu là tăng cường năng lực, hợp tác xuyên biên giới trong phát triển dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Sê San, Sêrêpôk và Sê Kông. Tại Hội thảo, các vấn đề liên quan đến hiện trạng phát triển của lưu vực 3S nói chung và của các tỉnh Tây Nguyên nằm trong lưu vực 3S nói riêng, viễn cảnh phát triển của lưu vực, những thách thức và khó khăn đi kèm với đề xuất các giải pháp tập trung vào 3 lĩnh vực chính: chia sẻ thông tin, tăng cường năng lực và cải thiện đối thoại, tham vấn với các bên liên quan, các đối tác trong lưu vực, đặc biệt là với cộng đồng địa phương đã được thảo luận, bàn bạc rất cởi mở và thẳng thắn. Xây dựng cấu trúc cơ bản của một lộ trình hỗ trợ phát triển bền vững ở lưu vực và lộ trình này sẽ được lồng ghép vào các kế hoạch và quy hoạch phát triển của quốc gia, của các tỉnh Tây Nguyên trong địa bàn lưu vực 3S cũng là nội dung ưu việt mà hội thảo này đã đề cập.
Cũng với nỗ lực tìm tiếng nói chung trong quan điểm phát triển và hài hòa lợi ích, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững khu vực 3S, mới đây nhất, MRC và ADB đồng phối hợp tổ chức hội thảo khu vực tại TP. Buôn Ma Thuột với chủ đề “Tăng cường năng lực và hợp tác xuyên biên giới trong phát triển dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Sê San, Sêrêpôk và Sê Kông”. Để đối phó với những thách thức của lưu vực, nhiều vấn đề, hướng đi đã được đề cập như: quy hoạch có sự lồng ghép; các giải pháp phòng tránh và giảm thiểu; bảo đảm thực thi luật pháp, quy chế và việc cấp phép; xây dựng năng lực quản lý tổng hợp tài nguyên nước. Cụ thể là lồng ghép quy hoạch với lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, tài nguyên nước, môi trường, công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp và thủy sản có tính đến cơ hội phát triển và rủi ro của các quốc gia khác trên lưu vực 3S. Phòng tránh giảm thiểu nguy cơ tác động có thể bằng các giải pháp đánh thuế, tăng cường giáo dục nhận thức, sử dụng công nghệ tiết kiệm nước, cải thiện vận hành… Trước các cơ hội phát triển diện tích tưới cần tính đến việc bảo đảm môi trường cho thủy sản phát triển. Trong bối cảnh đầu tư tư nhân về thủy điện, mỏ, lâm nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ đang phát triển mạnh các quốc gia cũng cần có hệ thống luật pháp chặt chẽ và năng lực thực thi các hệ thống này… Đó là những cách tiếp cận theo như ông Ian Makin, chuyên gia cao cấp của ADB về quản lý nguồn nước đánh giá là phù hợp nhất trong việc tăng cường quản lý nguồn nước nhằm bảo đảm tất cả mọi người được dùng nước sạch để đáp ứng nhu cầu phát triển. Và quan trọng hơn là các bên, các quốc gia, địa phương sẽ có sự kết nối tăng cường hợp tác để bảo vệ môi trường, mang lại một tương lai bền vững và an toàn về mặt kinh tế cho lưu vực 3S.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc