Multimedia Đọc Báo in

Biến đổi khí hậu - 90% do con người gây ra

15:20, 06/07/2010

Liên hiệp quốc vừa công bố báo cáo, nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu: 90% do con người gây ra, 10% là do tự nhiên. Hiện tượng này kéo theo nhiều hệ lụy.

Trong vòng 200 năm trở lại đây, đặc biệt là trong mấy chục năm vừa qua, khi công nghiệp phát triển, nhân loại bắt đầu khai thác than đá, dầu lửa, sử dụng các nhiên liệu hoá thạch... Cùng với các hoạt động công nghiệp tăng lên, bắt đầu thải vào bầu khí quyển một lượng lớn khí CO2, nitơ ôxít, mêtan... khiến cho nhiệt độ bề mặt trái đất nóng lên.

 

Biến đổi khí hậu tác động đến ngành nông nghiệp. Ảnh: Thúy Hồng

 

Biến đổi khí hậu là do nồng độ của khí hiệu ứng nhà kính tăng lên trong khí quyển ở mức độ cao. Bản thân nó đã làm cho trái đất ấm lên, nhiệt độ bề mặt trái đất nóng lên tạo ra các biến đổi trong các vấn đề thời tiết. Hiện nay, nhiệt độ trung bình đã tăng lên tới 0,3 - 0,4oC trong mấy chục năm vừa qua và đang có xu hướng tăng tiếp. Nhiệt độ trung bình của trái đất có thể tăng từ 1,1 - 6oC- khả năng xảy ra từ 1,8 - 4oC- trong đó tùy theo sự phát thải hiệu ứng nhà kính cắt giảm đến mức độ nào để làm giảm bớt khí CO2 và các khí khác gây hiệu ứng nhà kính. Mực nước biển dâng lên từ 28 - 43 cm.

Đối với Việt Nam, mực nước biển dâng sẽ làm mất đi một vùng đất rộng lớn, đó là các hệ sinh thái đất ngập nước của những đồng bằng rộng nhất của cả nước, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. 

 

Sự tương quan giữa nhiệt độ và số mắc SD/SXHD (không bao gồm những năm có dịch bùng phát đặc biệt) theo báo cáo tại Việt Nam (1996-2009). Nguồn: Vacne.org.vn

 

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống như: mùa đông ngắn lại, hạn hán, mưa lũ thất thường. Cây trồng có sự thay đổi về thu hoạch, dịch bệnh nhiều hơn, bệnh mới xuất hiện… Trong đó, y tế là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan gây ra các thảm họa về môi trường, làm gia tăng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bệnh do véc tơ truyền. Tại Việt Nam, khi phân tích số liệu khí hậu và số ca mắc sốt dengue/sốt xuất huyết dengue (SD/SXHD) trong vòng 10 năm gần đây, đã thấy rằng nhiệt độ tăng không có mối tương quan với số ca SD/SXHD trong suốt thời gian từ 1996-2009 tại các tỉnh miền Trung và miền Nam của Việt Nam.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

 

Tại hội thảo “An ninh lương thực và biến đổi khí hậu” ngày 31-5 ở Hà Nội, ông Nguyễn Bỉnh Thìn, Chánh văn phòng biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn dự báo, khoảng 20%-30% diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam sẽ bị ngập do nước biển dâng vào cuối thế kỷ này. Theo đó, 1/4 số lương thực (tương đương 10 triệu tấn) sẽ mất.

Thúy Hồng (Tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc