Cùng chung tay bảo vệ môi trường
Những năm gần đây, một vấn đề nóng bỏng gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội là tình trạng ô nhiễm môi trường đe dọa trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống con người. Để giải quyết rốt ráo, không chỉ là đòi hỏi cấp thiết đối với các cấp, ngành quản lý, doanh nghiệp, mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng.
Trên địa bàn tỉnh, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang diễn biến rất phức tạp, chưa được kiềm chế, xử lý hiệu quả. Theo số liệu thống kê, trong năm 2009, đã xảy ra 1.679 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; 4 cơ sở y tế không cam kết bảo vệ môi trường (BVMT), xử lý chất thải nguy hại không đúng quy định. Trong 329 đơn vị, doanh nghiệp (DN) và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản chỉ có 53 đơn vị DN có giấy phép kinh doanh (còn lại 22 tổ chức không có giấy phép, riêng 254 cá nhân (100%) không có giấy phép khai thác khoáng sản). Có 28/60 cơ sở sản xuất nước đóng chai vi phạm các điều kiện sản xuất kinh doanh, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút được nhiều DN vào sản xuất, song hệ thống xử lý nước thải tập trung lại chưa hoàn chỉnh. Qua kiểm tra 4 nhà máy có xả thải trong năm 2009, Cảnh sát môi trường đã phát hiện cả 4 đều vi phạm và 11 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật được kiểm tra cũng gây ô nhiễm. Kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gần 4.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thì có gần 1.400 cơ sở vi phạm. Đó là những con số thống kê chưa đầy đủ, nhưng đã làm không ít người giật mình trước thực trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Rác thải - nhân tố trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. |
Công bằng mà nói, bên cạnh một số đơn vị, DN sản xuất kinh doanh chưa chấp hành nghiêm các quy định về BVMT thì nhiều DN luôn gắn phương châm hoạt động sản xuất kinh doanh với thân thiện môi trường. Điển hình như Công ty Cao su Dak Lak đã lồng ghép các biện pháp để BVMT trong quá trình hoạt động sản xuất, như áp dụng hệ thống mương dẫn mủ Skim nhằm khuếch tán NH3 tự nhiên và cưỡng bức trước khi dẫn mủ vào hệ thống đánh đông, nhờ đó giảm tối đa lượng axit; liên kết với Công ty Môi trường Quốc Việt tại TP. Hồ Chí Minh thu gom chất thải rắn 6 tháng/lần… Không chỉ DN mà người dân tổ dân phố 1, phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) cũng tích cực tham gia BVMT. Với phương châm để từng con hẻm và khu vực công cộng luôn sạch sẽ, hằng tháng các thành viên của tổ dân phố đều thực hiện quét dọn, thu gom rác thải từ một đến hai lần. Hay từ cuốn Hương ước của buôn T’Lier (xã Hòa Phong - Krông Bông) dày gần 100 trang, ngoài các nội dung chủ đạo về cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, còn có một nội dung rất quan trọng là bảo vệ môi trường. Nhờ sự hướng dẫn và những quy định rất nghiêm trong hương ước, nên người dân luôn ý thức được việc BVMT, tạo cho cảnh quan nơi đây luôn xanh, sạch, đẹp. Đã thành lệ, vào cuối tuần, đoàn viên thanh niên cùng người dân trong buôn lại tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng để cùng nhau làm vệ sinh môi trường ở nghĩa trang, bến nước, đường giao thông, nhà cộng đồng…
Không chỉ thế, còn có những địa phương, đơn vị cũng làm tốt nhiệm vụ BVMT như Đoàn thanh niên xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột); Hương ước “Một gia đình, một hố rác” của nhân dân xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) được thực hiện từ nhiều năm nay. Mới đây, Công ty Quản lý Đô thị và Môi trường tỉnh Dak Lak đã triển khai dự án thí điểm cấp túi ni-lông miễn phí đựng rác tự hủy cho các hộ gia đình đồng bào các dân tộc, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) nhằm góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường sinh thái.
Cùng với Nghị định số 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực kể từ 1-3-2010), tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị phạt từ 100 ngàn đến 500 triệu đồng. Với những biện pháp sát thực trên hy vọng từ đây công tác BVMT trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước thu được kết quả tốt hơn.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc