Multimedia Đọc Báo in

Hàng chục héc-ta rừng phòng hộ bị chặt trụi do quản lý lỏng lẻo!

08:37, 13/09/2010

Hơn một tháng nay, nhiều diện tích rừng phòng hộ nằm trên địa bàn huyện Ea Kar do Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý, đang bị chặt phá một cách nghiêm trọng, trong đó diện tích rừng bị phá hủy chỉ còn trơ lại đất trống, đồi trọc ước tính trên 10 ha, tập trung tại các thôn 10, 11, 12, 13, 14 của xã Cư Yang. Diện tích rừng trên nằm trong tổng diện tích rừng phòng hộ 14.000 ha, trong đó 2.000 ha là rừng trồng (từ những năm 90), 1000 ha rừng nguyên sinh, còn lại là rừng nghèo, kém phát triển.

Những cây keo lai đang độ phát triển và cây tự nhiên bị đốn trụi (tại thôn 14 - xã Cư Jang).
Những cây keo lai đang độ phát triển và cây tự nhiên bị đốn trụi (tại thôn 14 - xã Cư Jang).

Sau khi có Dự án 661 của Chính phủ nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc, năm 2006, Công ty lâm nghiệp Ea Kar đã thực hiện trồng mới được 1.067,8 ha cây keo lai trong diện tích rừng nghèo, khi cây keo đang phát triển tốt, chưa đến tuổi khai thác thì đột nhiên có hàng chục người vác cưa máy, rìu lên phá trụi từng mảng rừng lớn một cách không thương tiếc. Được biết, đây là chủ trương của chủ rừng thuê người tỉa bỏ những cây keo kém phát triển trồng trước đây để trồng lại cây mới, song do sự quản lý quá lỏng lẻo nên người được thuê đã phá trụi luôn những cây keo đang phát triển tốt và cây tự nhiên nhiều năm tuổi. Từ lâu, khu rừng phòng hộ này đã góp phần không nhỏ trong bảo vệ môi trường, che chắn mưa lũ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và đời sống sinh hoạt của người dân. Việc phá trụi những mảng rừng như vậy đã dẫn đến hệ quả là khi mưa xuống sẽ sinh ra lũ, đất, đá trên núi bị nước cuốn trôi xuống gây thiệt hại cho hàng trăm ha lúa, hoa màu, cùng nhiều nhà dân dưới chân đồi, chưa kể, nguồn nước ngầm, hệ sinh thái nơi đây dần trở nên nghèo nàn, cạn kiệt. Ông Nguyễn Hồng Khôi, Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban lâm nghiệp Cư Yang cho biết, Công ty lâm trường Ea Kar thuê người đến cưa chặt rừng phòng hộ mà không hề thông báo với chính quyền xã để có biện pháp phối hợp. Ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Ea Kar đã trao đổi rõ hơn về vấn đề này: “Công ty chỉ thuê người tỉa bỏ những cây keo xấu, kém phát triển để trồng lại cây tốt hơn, nhưng do sơ xuất, thiếu sự quản lý mà người được thuê đã không làm theo đúng yêu cầu kỹ thuật đề ra ban đầu, dẫn đến hiện trạng phá trụi rừng như hiện nay, Công ty đã lập biên bản xử lý kỷ luật và sẽ sớm có giải pháp khắc phục sai sót này”.

Qua sự việc trên, mong rằng phía chủ rừng và chính quyền địa phương có rừng nên sớm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với nhau, nhằm đưa ra những giải pháp thiết thực, hữu hiệu, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra khi mùa mưa bão sắp đến.

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc