Tài nguyên đâu của riêng ai (!?)
18:12, 24/09/2010
Tài nguyên nói chung, khoáng sản nói riêng hiện đang được các nhà đầu tư tìm mọi cách khai thác để làm giàu cho mình, bất chấp những tác động xấu đến môi trường, gây nên những bất cập trong quá trình quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế-xã hội cho từng vùng, từng địa phương.
Ở Dak Lak, tình trạng này không phải là ngoại lệ. Vì sao thì ai cũng biết, ngoài sự tắc trách của các đơn vị khai thác khoáng sản do không có các chế tài đủ mạnh để răn đe thì quy trình thẩm định cấp phép đầu tư của các cấp thẩm quyền vẫn còn nhiều kẽ hở để cho nhà đầu tư lợi dụng, lách luật làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì” dẫn đến những hệ lụy đáng quan tâm!
Khai thác cát bên bờ sông Krông Ana. (Ảnh: Giang Nam) |
Một chuyên viên của Sở KH – ĐT nhận xét, Luật Khoáng sản hiện hành quy định: Dự án đầu tư do nhà đầu tư lập, các cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định và cấp phép. Nhưng trong mẫu trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chỉ nêu lên sự cần thiết của dự án, rồi tính toán đến hiệu quả kinh tế đối với nhà đầu tư… trong khi đó, phần nghĩa vụ với Nhà nước trong dự án, có chăng chỉ là việc nộp thuế khi được cấp phép đầu tư. Còn lại, vấn đề quan trọng nhất là đánh giá tác động của dự án đối với tổng thể nền kinh tế, xã hội nói chung thì không thấy nhắc đến, hay nói đúng hơn là còn quá sơ sài, qua loa… Do vậy, thường những nơi được cấp phép khai khoáng, các nhà đầu tư chỉ tìm cách tận thu sản phẩm mà không mảy may quan tâm đến những hậu quả xấu để lại cho địa phương đó. Cụ thể là vấn nạn ô nhiễm môi trường, là hạ tầng hư hỏng nặng do đào bới, vận chuyển quá tải… Trong khi đó, mức nộp thuế tài nguyên (theo quy định hiện hành) còn quá thấp, không đủ bù đắp vào những thiệt hại mà dự án gây ra.
Khai khoáng là lĩnh vực hấp dẫn, do nó sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở Dak Lak, các nhà đầu tư chỉ tập trung vào khai thác phổ biến như cát, sỏi, đất sét, than bùn, quặng sắt, đồng và đá các loại, quy mô nhỏ nên không cần những thiết bị hiện đại, lao động có trình độ cao; sản phẩm tiêu thụ được ngay, không phải tìm kiếm thị trường hay nhọc công xây dựng thương hiệu mà lợi nhuận thu được cao hơn nhiều so với những ngành nghề khác. Vì thế mà nó trở thành một trong những lĩnh vực “nóng” nhất, thu hút nhiều nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Đến nay, Dak Lak có khoảng trên dưới 30 dự án khai thác khoáng sản được thẩm định và cấp phép. Song, điều đáng nói là nguồn tài nguyên nói chung, khoáng sản nói riêng cần phải được quản lý, khai thác nhằm phục vụ cho lợi ích của toàn xã hội chứ không vì lợi ích của riêng ai. Hy vọng rằng, việc Quốc hội bàn thảo, lấy ý kiến rộng rãi trong cả nước để bổ sung, sửa đổi Luật Khoáng sản trong thời gian tới, đây chính là cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý Nhà nước có những quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn nhằm khắc phục và chặn đứng tình trạng tài nguyên bị thất thoát, tư túi.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc