Xu thế thời tiết trong thời kỳ cuối mùa mưa lũ năm 2010 ở Tây Nguyên
Tình hình thời tiết thủy văn trong thời kỳ đầu và giữa mùa mưa lũ năm nay diễn ra khá đặc biệt. Lượng mưa đạt thấp, thời gian có mưa ít, không xuất hiện mưa dầm kéo dài và cũng không xảy ra mưa lũ lớn trên diện rộng. Diễn biến thời tiết được đánh giá là trái với quy luật chung nhưng lại có phần thuận lợi. Điều may mắn là hầu hết các thiên tai thường xảy ra trong mùa mưa lũ hằng năm đã không xuất hiện. Tuy nhiên, biến động trái với quy luật chung của thời tiết thủy văn cũng để lại những khó khăn nhất định. Mưa ít nên lượng nước trên các sông suối đạt thấp gây khó khăn cho việc cung cấp nước phục vụ sản xuất điện. Những năm trước, vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa lũ, các hồ chứa lớn, nhất là hồ thủy điện phải thường xuyên xả lũ để bảo đảm độ an toàn của công trình thì năm nay lượng nước về không đủ để sản xuất điện bình thường. Ngoài ra, tình trạng nắng nóng gay gắt và kéo dài hơn đã có tác động không tốt đến sức khỏe của con người và vật nuôi, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng bình thường và làm giảm năng suất cây trồng. Sự không tuân theo quy luật chung của tình hình thời tiết cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc bùng phát các loại dịch bệnh ở người và vật nuôi.
Lũ lụt luôn là mối đe dọa cuộc sống của người dân trong mùa mưa bão. (Ảnh: T.L) |
Số liệu quan trắc cho thấy, trong thời kỳ đầu và giữa mùa mưa lũ năm nay, nhiệt độ ở hầu hết các vùng của Tây Nguyên đều đạt cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất ở một số nơi lên trên 350C đã xảy ra trong cả thời kỳ tháng 5 và tháng 6, thậm chí một số nơi trong tháng 7 cũng xuất hiện nắng nóng. Về mưa, đến giữa tháng 9 năm nay, tổng lượng mưa ở hầu hết các vùng mới đạt từ 35 – 60% tổng lượng mưa trung bình nhiều năm. Nếu xét riêng các tháng mùa mưa thì lượng mưa trong các tháng đầu và giữa mùa mưa năm nay đạt thấp nhất kể từ năm 1998 đến nay. Mưa ít nên dòng chảy sông suối cũng ít biến động. Đã là giữa tháng 9, là thời kỳ mà thông thường mực nước sông đạt mức cao nhất trong năm, nhưng năm nay mực nước trên hầu hết các sông suối đều còn ở mức thấp hơn so với mực nước trung bình năm. Cũng đã có xuất hiện một vài trận lũ nhưng đều là lũ nhỏ với mực nước đỉnh lũ chưa đạt tới mức báo động cấp 1.
Câu hỏi đặt ra là trong thời gian còn lại của mùa mưa lũ năm nay diễn biến thời tiết sẽ ra sao? Thông thường, mùa mưa hằng năm ở Tây Nguyên còn kéo dài đến hết tháng 10, mùa lũ là tháng 11. Xem xét dưới góc độ quy luật chung, trong các tháng 9, tháng 10, dù tổng lượng mưa/tháng có xu hướng giảm so với thời kỳ cao điểm (tháng 7, tháng 8) nhưng vẫn còn khá cao và thường mưa thành từng đợt tập trung nên có xác suất gây tai biến thiên tai cao hơn các tháng khác trong năm. Trung bình hằng năm lượng mưa ở Tây Nguyên đạt từ 250 – 350mm trong tháng 9 và từ 150 - 250mm trong tháng 10; năm có mưa nhiều về cuối mùa như năm 1998, 2009 lượng mưa có thể đạt từ 550 – 700mm trong tháng 9, từ 350 – 500mm trong tháng 10; nhưng cũng có những năm mưa rất ít, chỉ đạt dưới 250mm trong tháng 9 và dưới 150mm trong tháng 10.
Mưa lũ làm thiệt hại trước hết đến lúa và hoa màu. (Ảnh: T.L) |
Biến đổi khí hậu gây hậu quả bất thường của thời tiết đang diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới và ở khu vực Tây Nguyên trong những năm gần đây đã khiến cho công tác dự báo tình hình thời tiết thủy văn trở nên khó khăn hơn. Thế nhưng việc định hình được bức tranh thời tiết thủy văn từ nay đến cuối năm 2010 lại rất cần thiết, bởi nó không chỉ giúp cho việc phòng chống giảm nhẹ thiên tai đạt hiệu quả mà còn có liên quan đến kế hoạch sản xuất trong mùa khô 2010 – 2011. Ở góc độ kinh nghiệm, người ta đang nghĩ đến những kiểu thời tiết có tính chất trái ngược nhau, cùng có nhiều nguy cơ gây tai biến cao có thể xảy ra trong thời kỳ cuối mùa mưa lũ năm nay. Dạng thứ nhất có kiểu thời tiết tương tự như thời tiết cuối mùa mưa năm 1997 hay năm 2004, lượng mưa đạt thấp, mùa mưa sẽ kết thúc sớm. Nếu dạng thời tiết này xảy ra thì khó khăn sẽ bắt đầu từ cuối mùa mưa năm 2010 đến hết mùa khô 2010 – 2011 do tình trạng khô hạn và thiếu nước sẽ diễn ra rất gay gắt. Dạng thời tiết thứ hai là lượng mưa sẽ tập trung nhiều trong các tháng cuối mùa, tháng 9 và tháng 10, thậm chí mùa lũ còn có thể kéo dài đến cuối tháng 11, đầu tháng 12. Thời tiết diễn ra theo chiều hướng này thì mưa lũ trong thời gian tới sẽ rất ác liệt. Tất nhiên, cũng có thể nghĩ đến một kết quả diễn biến thời tiết ôn hòa hơn, ít tai biến hơn song trong điều kiện có những dấu hiệu bất thường rõ nét như hiện nay thì điều cần thiết là phải có các bước chuẩn bị chu đáo để luôn chủ động đối với mọi tình huống, cấp độ tai biến thiên tai mới có hy vọng giảm thiểu thiệt hai do chúng gây ra.
Kết quả từ việc thống kê, tính toán phân tích số liệu khí tượng thủy văn cũng như từ các mô hình dự báo khí tượng thủy văn cho thấy xác suất xảy ra mưa lũ trong thời kỳ còn lại của mùa mưa lũ năm nay là khá cao; có khả năng xảy ra 1- 2 đợt mưa lũ lớn có thể gây thiệt hại. Tuy nhiên, tổng lượng mưa cả năm vẫn có khả năng đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm và thấp hơn so với năm 2009. Kết quả này cũng phù hợp với các nhận định về xu thế hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới khu vực Trung bộ và Tây Nguyên trong thời gian từ nay đến cuối năm 2010. Như vậy, trong nửa cuối tháng 9, tháng 10 và nửa đầu tháng 11 ở Tây Nguyên còn tiếp tục có mưa, có những đợt mưa vừa đến mưa to; trong đó, những đợt mưa tập trung sẽ rơi vào thời kỳ ảnh hưởng của các nhiễu động thời tiết mạnh như bão, áp thấp nhiệt đới, có khi kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh,… Ngoài ra, sự tương tác giữa các khối không khí nóng, lạnh trái ngược nhau trong thời kỳ giao mùa cũng sẽ gây ra những hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như sương mù, lốc tố, dông sét… Về dòng chảy sông suối, dù xác suất xuất hiện lũ lớn còn khá cao nhưng do nền mực nước hiện tại rất thấp nên ngay sau lũ, mực nước sẽ có xu hướng giảm nhanh; tổng lượng dòng chảy cả năm và tổng lượng dòng chảy trong mùa mưa lũ năm nay có khả năng đạt thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Đây là vấn đề mà các chủ hồ chứa, các nhà hoạch định sản xuất cần quan tâm bởi sau mùa mưa lũ là một mùa khô dài và luôn phải chịu cảnh khan hiếm nguồn nước.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do các thiên tai có nguồn gốc từ khí hậu thủy văn gây ra trong thời gian từ nay đến hết mùa mưa lũ năm 2010, chính quyền và nhân dân các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết thủy văn; chủ động các biện pháp đối phó khi có các tin cảnh báo, dự báo về sự xuất hiện của các nhiễu động thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, dải hội tụ nhiệt đới hoặc không khí lạnh tăng cường có ảnh hưởng mưa đến khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt lưu ý các cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào vùng bờ biển từ Trung Trung bộ đến Nam Trung bộ hoặc các nhiễu động do tác động kết hợp của các yếu tố trên, là các loại hình thời tiết thường gây mưa sinh lũ lớn.
(Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum)
Ý kiến bạn đọc