Multimedia Đọc Báo in

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở HUYỆN KRÔNG NĂNG: Cần những biện pháp thiết thực

14:54, 31/12/2011

Thiếu ý thức, trách nhiệm cũng như sự quan tâm, đầu tư ngân sách và nhiều lý do khác đã và đang khiến vấn đề ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt ở một số nơi trên địa bàn huyện Krông Năng ngày càng trở nên cấp bách, bức thiết. Để giải quyết tận gốc thực trạng này, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt mà trước tiên là sớm xây dựng bãi rác ở các xã, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác bừa bãi…

Thiếu đầu tư...
Đến huyện Krông Năng, hình ảnh phản cảm đập vào mắt người đi đường đó chính là những bãi rác “tự phát” trên các con đường liên xã. Theo đó, mùi hôi thối của rác khiến không chỉ người đi đường mà cả những người dân sống xung quanh càng khó chịu và phần nào  tác động đến đời sống con người. Có thể nói, rác thải đang là vấn đề ngày càng khiến nhiều người dân trên địa bàn huyện bức xúc. Trong đó, xã Ea Hồ hiện đang là điểm nóng về môi trường, nguyên nhân chủ yếu là do người dân thiếu ý thức trong việc xử lý rác thải sinh hoạt. Trước thực trạng này, nhiều lần UBND xã đã tuyên truyền, vận động bà con không xả rác bừa bãi ra môi trường, nhưng do địa phương chưa có bãi rác nên họ vẫn vô tư xả rác ra đường và khu vực chợ trước cổng UBND xã.

Cũng rơi vào tình cảnh báo động về môi trường như xã Ea Hồ, trước cổng UBND xã Dliê Ya luôn xuất hiện những bãi rác “tự phát”, các túi rác được “tập kết” vào ban đêm, khi không có người qua lại. Không chỉ ở khu vực này, trên những đoạn đường vắng người, vắng nhà cũng nghiễm nhiên trở thành nơi quăng rác thải sinh hoạt. “Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tổng vệ sinh, thu gom rác thải, nhưng sau một, hai hôm đâu lại vào đấy. Cũng nhiều lần, cán bộ xã thành lập đoàn kiểm tra, theo dõi ở các khu vực này, nhưng không thể bắt được đối tượng đổ rác ra đường vì họ thường vứt rác vào lúc đêm khuya”, ông Y Sách M’lô, Phó Chủ tịch UBND xã Dliê Ya cho biết.

Đoạn đường qua rừng cao su, đi vào UBND xã Phú Lộc từ nhiều năm nay luôn trong tình cảnh ngập rác, khi chỉ cách trung tâm xã chưa đến 1km. Theo những người dân sống xung quanh khu vực, một số thôn trong xã không có tổ thu gom rác và những người bán hàng dạo thường lấy khu vực này để quăng chất thải, lâu dần thành quen. Theo ông Trần Văn Ngọc, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là do nhận thức của phần lớn bộ phận người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) của hầu hết các địa phương còn thiếu đầu tư và sự hướng dẫn.

Bãi rác nằm trước cổng trụ sở UBND xã Ea Hồ.
Bãi rác nằm trước cổng trụ sở UBND xã Ea Hồ.

Cần những hành động cụ thể
Nhằm bảo vệ môi trường, không gây ô nhiễm cho người dân trên địa bàn huyện, thiết nghĩ, các ban ngành liên quan nên vào cuộc tích cực, đồng bộ. Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trong nhân dân về BVMT như không đổ rác, phế liệu bừa bãi mà có những biện pháp xử lý tại chỗ như chôn lấp hoặc đốt. Song song đó, nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ những tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong hoạt động BVMT để nhân rộng ra toàn xã hội. Cụ thể, mô hình thu gom rác thải ở thôn Lộc Tân (xã Phú Lộc) trong hơn 5 năm qua được triển khai dưới hình thức là thành lập tổ thu gom rác thải cho hơn 250 hộ dân trong thôn và khu vực trung tâm xã. Trung bình 3 lần một tuần, sau khi thu gom tại các hộ dân cư, rác được xử lý tại bãi chôn lấp của xã, nằm cách xa khu dân cư để tránh gây ô nhiễm cho người dân. Theo đó, mỗi hộ gia đình sẽ phải đóng phí 15.000 đồng/tháng cho tổ gom rác. Từ việc làm thiết thực này, đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong thôn Lộc Tân và trung tâm xã. Mặt khác, các đoàn viên thanh niên và các ban ngành trong xã đã phối hợp với người dân thường xuyên tổng dọn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường từ xã vào thôn, buôn; tuyên truyền vận động người dân ý thức chấp hành các chủ trương của Nhà nước trong bảo vệ môi trường. Mong rằng, mô hình này sẽ sớm được nhân rộng không chỉ trên địa bàn xã, mà cả những khu vực lân cận.

Bên cạnh ý thức của người dân, một nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do các địa phương không có bãi chôn lấp rác thải. Ông Jyem K’sơr, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hồ cho biết: “Sở dĩ vấn nạn rác thải ở địa phương đang ngày càng phức tạp là do xã chưa có bãi rác, đồng thời lại nằm trên tuyến đường chính nối thị xã Buôn Hồ và trung tâm huyện Krông Năng nên lượng người qua lại hàng ngày rất lớn, trong đó nhiều người thiếu ý thức đã chọn đoạn đường vắng  để quăng rác. Đặc biệt, do chợ xã xây dựng chưa xong, nên người dân họp chợ ngay trước trụ sở UBND xã, điều này dẫn đến việc rác được thải ra hai bên đường. Để khắc phục, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ thi công chợ nhằm giải tỏa được chợ tạm mà không ảnh hưởng đến các tiểu thương”. Chính quyền xã Ea Hồ cũng đang có dự án thành lập tổ thu gom và xây dựng một bãi chôn lấp rác thải.  Với xã Dliê Ya, UBND xã cũng đang tích cực vận động một số hộ đồng bào thiểu số ở khu vực Đồi đá, buôn Dliê Ya B trả lại đất xâm chiếm trái phép để xã quy hoạch xây dựng bãi rác.

Theo kế hoạch, đầu năm 2011, dự án xây dựng bãi chôn lấp chất thải với diện tích hơn 1ha sẽ được triển khai, kinh phí thực hiện chủ yếu là nguồn ngân sách của xã và sự tự nguyện đóng góp của người dân.
Ngoài ra, nên lồng ghép công tác BVMT vào các hoạt động ngoại khóa ở trường học, khu dân cư, thôn, buôn nhằm nâng cao nhận thức của mọi người. Đồng thời, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện cũng nên vào cuộc tích cực, đồng bộ, thiết thực để việc BVMT không còn là chuyện “nói hoài nói mãi”.   

 

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc