Multimedia Đọc Báo in

Thừa và thiếu nước ở Tây Nguyên

15:36, 07/01/2011

Mang đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên nóng ẩm, mưa nhiều nên Tây Nguyên được đánh giá là nơi có lượng nước mặt phong phú, khoảng 49 tỷ m3/năm. Lượng nước này có thể cung cấp cho mỗi ha đất tự nhiên 25  m3/ngày hoặc nếu mang chia đều thì mỗi người dân ở Tây Nguyên có 1.150m3/năm, cao hơn so với mức trung bình của cả nước. Nguồn tài nguyên nước dồi dào đã và đang giúp cho Tây Nguyên vươn lên phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch...  Tuy nhiên, do chịu tác động trực tiếp của sự phân hóa mùa khí hậu sâu sắc nên nguồn nước ở Tây Nguyên luôn biến động và nhiều khi trở thành thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân, phá hủy môi trường sinh thái.

Do mưa to kéo dài từ đầu tháng 11 - 2010, nhiều nhà dân ở xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin bị ngập chìm trong nước. (Ảnh: N.X)
Do mưa to kéo dài từ đầu tháng 11 - 2010, nhiều nhà dân ở xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin bị ngập chìm trong nước. (Ảnh: N.X)

Đặc điểm khí hậu Tây Nguyên là sự tương phản giữa hai mùa khô và mưa. Đặc điểm này có liên quan tới tác dụng chắn gió của dãy Trường Sơn. Về mùa đông, tín phong Đông Bắc sau khi để lại một lượng hơi ẩm lớn (dưới dạng mưa) bên sườn Đông, vượt qua núi sang sườn Tây lại chịu ít nhiều hiệu ứng phơn trong quá trình đi xuống theo sườn Tây dốc thoải của lưu vực sông Mê Kông và càng trở nên khô hơn so với Nam Bộ. Lượng mưa trong mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 3, tháng 4 chỉ chiếm xấp xỉ 10% lượng mưa cả năm, có nơi chỉ chiếm 6 – 8%. Những năm ít mưa, thường có vài ba tháng lượng mưa không vượt quá 5mm/tháng. Độ ẩm cũng rất thấp, trung bình trên dưới 70%. Đó là những đặc điểm chủ yếu gây ra hạn hán trong vụ Đông Xuân hằng năm. Trung bình mỗi năm Tây Nguyên phải chịu khát từ 3-4 tháng; năm hạn nặng, thời gian thiếu nước kéo dài liên tục từ 6-8 tháng (năm 1998: hạn từ tháng 11 đến tháng 6; năm 2004 – 2005 hạn kéo dài từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau). Hạn hán, thiếu nước trong mùa khô đã trở thành nỗi lo thường trực của chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên bởi trong hầu hết các mùa khô, sản xuất nông - lâm nghiệp đều ít nhiều chịu thiệt hại. Những năm hạn nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ví dụ như mùa khô 1997-1998, riêng tỉnh Dak Lak (lúc bấy giờ tỉnh Dak Lak bao gồm cả Dak Nông) đã thiệt hại 6.000 tỷ đồng. Mùa khô 2004-2005, thiệt hại hơn 1.700 tỷ đồng; trên 30% dân số thiếu nước sinh hoạt.
Hạn hán ở xã Cư Pơng (Krông Buk) trong mùa khô năm 2010. (Ảnh: T.L)
Hạn hán ở xã Cư Pơng (Krông Buk) trong mùa khô năm 2010. (Ảnh: T.L)

Tổng lượng mưa năm ở Tây Nguyên vào khoảng 1.900mm; thời gian mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó có từ 4-5 tháng lượng mưa đạt trên 200mm/tháng. Những nơi có lượng mưa lớn như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Gia Nghĩa (Dak Nông), lượng mưa tháng lớn nhất có thể đạt từ 700-1.100mm. Một đợt mưa liên tục kéo dài từ 2-5 ngày trên các lưu vực sông ở Tây Nguyên đạt từ 150-350mm; cá biệt có đợt đạt trên 400mm gây ra những trận lũ lớn, lũ quét gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Trong hầu hết các năm, trên mỗi con sông ở Tây Nguyên đều có từ 1-3 đợt mưa lũ lớn, năm mưa nhiều có thể có 3-5 đợt. Tần suất xuất hiện những đợt mưa lũ đến mức gây thiệt hại nghiêm trọng và rất nghiêm trọng vào khoảng 25%; riêng lưu vực Sêrêpôk là 40%. Lũ lụt không chỉ tàn phá mùa màng, ảnh hưởng xấu tới sản xuất mà còn gây thiệt hại về nhân mạng, phá hủy cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, nhà cửa, trường học, bệnh viện, kho tàng, bến bãi… Điển hình như trận lũ quét xuất hiện tháng 6-1990 ở Dak Lak với lượng mưa ở phần thượng nguồn sông Sêrêpôk đạt từ 350-420mm làm cho 4 hồ chứa và 4 đập dâng bị vỡ, gây ra lũ quét làm chết 22 người, thiệt hại vật chất khoảng 3,4 tỷ đồng. Trận lũ đặc biệt lớn xuất hiện tháng 10-2000 trên sông Krông Nô (thuộc địa bàn Dak Lak và Dak Nông) làm chết 25 người, bị thương 18 người và 50.000 người khác bị ảnh hưởng; thiệt hại về vật chất lên đến trên 120 tỷ đồng. Trận lũ quét xuất hiện tháng 8-2003 tại các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar làm chết 9 người, 4 người mất tích, thiệt hại vật chất lên đến hàng chục tỷ đồng. Gần đây nhất, trận lũ lịch sử do ảnh hưởng của bão số 9 (tháng 9-2009) đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Kon Tum; bão lũ đã làm 51 người chết, 38 người bị thương; thiệt hại về vật chất là trên 3.400 tỷ đồng. 

Đi tìm giải pháp cho việc hạn chế những tác động tiêu cực của sự thừa và thiếu nước ở Tây Nguyên luôn là vấn đề được Đảng, chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đặc biệt quan tâm. Đã có những dự án được triển khai,  có những đề tài khoa học được nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế, đã có sự đầu tư tiền của, nhân lực mạnh mẽ cho công tác phòng chống thiên tai nhưng xem ra hiệu quả còn có phần hạn chế. Mùa mưa nước vẫn quá dư thừa, thậm chí lũ lụt còn có phần gia tăng cả về số lượng và mức độ tàn phá. Ngược lại, ngay sau những đợt mưa lũ kinh hoàng, tình trạng hạn hán, thiếu nước lại ngay lập tức xuất hiện. Đành rằng nguyên nhân dẫn tới những biến động cực đoan nêu trên có phần không nhỏ tác động của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, song có lẽ những hoạt động thái quá của con người mới là nguyên nhân cơ bản làm gia tăng mức độ tác động tiêu cực của nguồn nước. Qua phân tích chuỗi số liệu quan trắc khí tượng thủy văn cho thấy những năm gần đây ở khu vực Tây Nguyên đã có những dấu hiệu về sự biến động không theo quy luật chung của thời tiết thủy văn. Biên độ nhiệt ngày đêm ở một số nơi có chiều hướng gia tăng; hiện tượng mưa với cường độ lớn, mưa trận có lượng lớn cũng xuất hiện nhiều hơn; thời gian không có mưa liên tục kéo dài hơn,... Những biến động này đã tác động tới sự thay đổi của lượng nước mặt và dòng chảy sông suối, nơi sản sinh ra lũ lụt và khô hạn, cạn kiệt. Khi xem xét quá trình tác động và mức độ gây hại do những biến động tiêu cực của tài nguyên nước, nhiều ý kiến cho rằng những biến động tự nhiên như nêu ở trên là chưa thực sự rõ nét, song hoạt động của con người trên khu vực thì đã có những tác động khá rõ, trong đó nổi cộm là nạn chặt phá rừng, mức độ gia tăng dân số. Ngoài ra, sự hạn chế trong các công tác quy hoạch dân cư, bố trí thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, khai thác sử dụng  nguồn nước cũng đã và đang làm mức độ thừa và thiếu nước thêm trầm trọng hơn.

Sự gia tăng những biến động tiêu cực đang nhắc nhở chúng ta cần kiên quyết hơn trong công tác phòng chống thiên tai nói chung, hạn chế sự gây hại của hiện tượng thừa và thiếu nước nói riêng. Điều này đòi hỏi sự cố gắng đồng bộ từ chính quyền, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học và người dân các tỉnh Tây Nguyên.

KS. Nguyễn Văn Huy
(Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum)

 


Ý kiến bạn đọc