Multimedia Đọc Báo in

Để những cánh rừng mãi tươi xanh

15:47, 07/02/2011

Có lẽ ai cũng biết hậu quả nhãn tiền và hệ lụy khủng khiếp cho tương lai bởi do rừng bị mất. Nhưng có một thực tế đáng buồn: Những khoảnh rừng còn lại ít ỏi vẫn đang ngày đêm bị một số người vô trách nhiệm, những kẻ thiếu lương tri nhăm nhe nhòm ngó. May thay, trong số những người mà chúng tôi từng biết, từng gặp ở nhiều vị trí, góc nhìn khác nhau, họ vẫn có chung một mối lo chung là kiên quyết bảo vệ rừng!...  

“Đông-ki-sốt” của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin
Chúng còn nhớ như in nét mặt buồn bã, đau khổ của ông hơn 3 năm trước khi phải thốt lên “Mỗi một cây rừng như da thịt tôi, vậy mà tôi đã từng tự bóc da, thịt của mình khi phải ký vào biên bản bàn giao hơn 100 ha rừng đặc dụng chỉ vì một công trình thủy điện nhỏ.” Hơn một trăm héc-ta rừng đặc dụng và câu chuyện làm thủy điện ngày ấy vẫn luôn ám ảnh ông cho đến tận bây giờ…

Sinh năm 1959 ở tỉnh Thái Bình, nơi miền quê êm ả bao bọc bởi những đồng lúa, vậy nhưng ông chọn cho mình con đường… lên rừng. Tốt nghiệp đại học, chàng trai trẻ Lương Vĩnh Linh đã đến với đại ngàn Tây Nguyên. Từ làm cán bộ điều tra rừng, chuyển sang kinh doanh lâm nghiệp đến làm giám đốc lâm trường, năm 1999, Thạc sĩ lâm nghiệp Lương Vĩnh Linh trở thành Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Chư Yang Sin, sau này là Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin. Ở đây, ông như tìm thấy được “tình yêu đích thực” với rừng... Chư Yang Sin là một trong số rất ít VQG hiện nay còn bảo vệ nguyên vẹn được nhiều khoảnh rừng cấm nghiêm ngặt với đa dạng nguồn gen quý hiếm, chính vì vậy  “nghiệp” rừng được ông xem như một sứ mệnh thiêng liêng của cuộc đời mình. Và ông cũng tự thấy mình thật “giàu có”, bởi những gì ông đang cố gắng gìn giữ, bảo vệ là để cho muôn đời sau...

Ông Lương Vĩnh Linh (người ngồi giữa) trong một chuyến đi kiểm tra rừng. (Ảnh: L.H)
Ông Lương Vĩnh Linh (người ngồi giữa) trong một chuyến đi kiểm tra rừng. (Ảnh: L.H)

Còn nhớ, từ năm 2007, trong một cuộc trao đổi xoay quanh vấn đề “Đổi rừng lấy thủy điện”, một nhà quản lý của tỉnh nói: “Chặt một cây rừng nơi đây thì ta trồng thêm nhiều cây rừng nơi khác. Mọi người có  biết khi tua – bin quay, mỗi giờ làm ra bao nhiều tiền không, trong khi đất nước mình, tỉnh mình năng lượng điện đang thiếu trầm trọng! Đôi khi phải đánh đổi chớ!...”. Chúng tôi đem câu chuyện này kể lại với ông, ông chỉ cười rồi kể lại một câu chuyện: “Trong khi ngày ngày phải chứng kiến thủy điện Krông Kmar cứ gọt dần gọt dần 100 ha rừng lòng tôi đã đau như xát muối, thì lại có một “đoàn quân” khảo sát của dự án thủy điện nhỏ khác lăm le, đe dọa những cánh rừng nơi đây. Khi tôi hỏi ai cho phép vào VQG thì một vị tư vấn trẻ đưa ra một văn bản cho phép khảo sát và nói “Anh yên tâm, chúng tôi phá đi một héc-ta sẽ trồng lại cho anh mười héc-ta!”. Tôi bực mình và mắng luôn: “Một héc-ta các anh chẳng  trồng nổi chứ đừng nói gì đến mười héc-ta! Anh có biết thế nào là rừng nguyên sinh không? Đó là cả một hệ sinh thái hoàn chỉnh được hình thành cả trăm, cả ngàn năm nay, là môi trường sống của nhiều loài thực vật, động vật hoang dã….”. Vừa chỉ tay về phía rừng xanh, tôi vừa hỏi vị tư vấn: “Anh có trồng nổi cho tôi 1 héc-ta rừng như thế kia không? Tiền núi cũng chả trồng nổi đừng nói tiền tấn”. Nghe vậy, chuyên gia tư vấn thủy điện kia vội lảng đi nơi khác.” Câu chuyện của ông làm chúng tôi hiểu được lý do vì sao các cuộc họp, ông đều gay gắt, đấu tranh đến cùng để giữ được rừng.

Hơn mười năm gắn bó với Vườn, ông cùng với những anh em nơi đây phải chống đỡ với vô số thủ đoạn xâm hại tài nguyên rừng, quanh năm vất vả tuần tra, bắt giữ và xử lý đủ loại lâm tặc, có khi đã phải đổ máu. Lâm tặc thì ngày càng manh động trong khi các quy định của pháp luật vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm cũng như bảo vệ đối với lực lượng kiểm lâm. Nhiều bản án dành cho bọn phá rừng, chặt cây, giết thú chỉ “giơ cao đánh khẽ”, thậm chí còn để sót người lọt tội! Ngoài dân di cư tự do cần đất canh tác, lâm tặc khát tiền săn bắn và mua bán lâm sản thì áp lực đáng sợ đối với VQG Chư Yang Sin chính là những dự án cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Có những lúc, ông rối bời, đau khổ thấy mình như chàng Đông-ki-sốt bất lực đánh nhau với cối xay gió khi ông nhận ra, những anh em nơi đây ngày đêm bám rừng chỉ có thể ngăn dân nghèo chặt phá vài héc-ta lấy đất canh tác, chứ không cách gì ngăn nổi các dự án nói trên. Ông rất hiểu khi những dự án xây dựng trong Vườn thì các hoạt động xâm hại rừng sẽ nằm ngay trong vùng lõi nên dù có là “Đông-ki-sốt đánh nhau với cối xay gió” thì ông cũng quyết không để mất rừng. Và rồi sự quyết liệt của ông cũng được đền đáp: dự án thủy điện Dak Tua được dừng vĩnh viễn.
Nhiều người cho rằng ông có “ác cảm” với thủy điện, là người bảo tồn mà không quan tâm đến phát triển của địa phương, của đất nước…, nhưng ông có cái lý của riêng mình. Cái lý của ông đó là: rừng nguyên sinh – tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng chỉ còn lại rất ít, chúng ta có đủ điều kiện để phát triển bền vững và lâu dài; bất cứ dự án nào cũng phải bảo đảm quyền lợi cho các nhóm lợi ích, quyền lợi cho đại đa số người dân. Chuyện 100 ha rừng đặc dụng ở Vườn bị xóa sổ; dòng Krông Kmar gần như trơ đáy vào mùa khô chỉ vì một nhà máy điện nhỏ 12 MW chạy được chừng 50-60% công suất vào 6 tháng mùa khô, có lẽ sẽ là chuyện nhỏ như bao câu chuyện đổi rừng làm thủy điện khác ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên khi không có những thảm họa lũ lụt ở miền Trung vừa qua mà một phần là do các nhà máy thủy điện. Mất rừng, con người sẽ phải gánh chịu nhiều hậu quả. Biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu chính là hậu quả từ việc để mất rừng. “Những việc làm của chúng ta ngày hôm nay nếu chỉ vì lợi ích trước mắt thì các thế hệ con cháu sau này sẽ là người phải gánh chịu hậu quả. Đã đến lúc các nhà quy hoạch thủy điện phải thức tỉnh!” - Ông cảnh báo.

Gần 160 ha rừng đặc dụng của VQG Chư Yang Sin đã bị mất, trong đó ngoài 9 ha được chuyển cho ngành văn hóa xây dựng khu di tích lịch sử Dak Tua, 2,5 ha bị đồng bào nghèo phá làm nương rẫy, số còn lại gần 140 ha được bàn giao để xây dựng các công trình thủy điện. So với nhiều VQG khác trong cả nước, thì rừng bị mất ở VQG Chư Yang Sin vẫn còn là con số khiêm tốn. Thế nhưng ông chưa bao giờ tự nhận mình đã làm tròn trách nhiệm với rừng, bởi một lẽ nơi đây “nước mắt” của rừng vẫn chảy. Việc bảo vệ rừng ở Chư Yang Sin vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách và gian nguy...

Vườn quốc gia Chư Yang Sin thành lập theo Quyết định số 92/2002/QĐ-TTg ngày 12/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ, nằm gọn trong hai huyện Krông Bông và Lak, rộng 59.531 ha, bao quanh là vùng đệm khoảng 150.000 ha, trải trên địa bàn 4 huyện giáp ranh giữa hai tỉnh Dak Lak, Lâm Đồng. Vườn có đỉnh Chư Yang Sin 2.442 mét, cao nhất hệ thống núi cực Nam Trung Bộ với nguồn đa dạng sinh học quý giá gồm 876 loài thực vật và 249 loài chim thú. Một trong những nhiệm vụ chính của vườn là bảo vệ rừng đầu nguồn các sông Sêrêpôk, Mê Kông; điều hòa và cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp.

Vì sự bình yên của những cánh rừng
Có thể nói chưa bao giờ công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) lại yên ắng như thời gian này. Mặc dù đã gần Tết, nhưng tình trạng xe độ chế, cũng như các phương tiện vận tải khác chở gỗ và củi chạy ầm ầm ngoài đường đã giảm hẳn so với nhiều năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng xâm hại tài nguyên rừng trên địa bàn Dak Lak đã từng bước được kiểm soát và kiềm chế.

Để có được sự bình yên này, những người làm công tác QLBVR ở một số “điểm nóng” cho biết, các Đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó Hạt kiểm lâm đóng vai trò nòng cốt đã tăng cường thêm lực lượng tuần tra, kiểm soát lẫn thời gian “trực chiến” 24/24 giờ tại các trạm chốt chặn lâm tặc trên địa bàn. Chẳng hạn ở Buôn Đôn, ông Bùi Văn Khang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, kiêm Phó ban Ban chỉ đạo 12 của huyện cho biết: Ngoài các điểm nóng như buôn Yang Lành, buôn Trí và những bãi tập kết gỗ dọc sông Sêrêpôk ra, thì  các trạm QLBVR cơ động trên tuyến đường tỉnh lộ 1 và vùng giáp ranh Ea Súp, Cư M’gar … đều được anh em thay nhau túc trực suốt ngày đêm. Nhờ thế mọi hành vi nhòm ngó, ra vào của các đối tượng chuyên “ăn rừng” bị khóa chặt. Hơn thế, công tác xây dựng mạng lưới “cộng tác viên” giữ rừng và mua lại thông tin từ họ đã giúp lực lượng QLBVR Buôn Đôn chủ động hơn trong việc giám sát, kiểm soát hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Hạt kiểm lâm và Ban chỉ đạo 12 huyện Buôn Đôn đã nhận được hàng trăm nguồn tin báo của người dân về tình trạng vận chuyển gỗ, chặt phá rừng trên địa bàn, nhờ vậy đã kịp thời ngăn chặn một cách có hiệu quả ngay từ đầu, không để rừng bị  “chảy máu” như trước.

Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng. (Ảnh: V.C)
Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý bảo vệ rừng. (Ảnh: V.C)

Còn nhớ một bận, khi chúng tôi và anh em kiểm lâm Hạt Buôn Đôn đang ngồi ăn cơm thì nhận được tin báo tại vùng giáp ranh Ea Tul và Cư M’gar có gần chục đối tượng đang khai thác gỗ trái phép. Lập tức cán bộ Pháp chế của Hạt đã liên lạc với lực lượng Kiểm lâm huyện Cư M’gar phối hợp ngăn chặn kịp thời. Chỉ sau gần hai giờ đồng hồ, tin từ  anh Bùi Xuân Khu - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Cư M’gar báo sang đã khống chế, thu giữ số gỗ mà lâm tặc trên địa bàn đã đốn hạ. Nói thêm về công tác này, anh Y Ngôn Êban - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ea Kar cho hay, hiện công tác chia sẻ, phối hợp với nhau giữa các đơn vị QLBVR và nhất là nguồn tin báo từ hệ thống cộng tác viên được “cài đặt” trước  đã có sự gắn kết chặt chẽ, kịp thời hơn nên những địa bàn giáp ranh (nơi trước đây rừng thường xuyên bị xâm hại nghiêm trọng) nay đã từng bước được hạn chế, khắc phục. Trên địa bàn Ea Kar có hàng chục “người của kiểm lâm” ngày đêm âm thầm góp sức bảo vệ rừng. Họ không có lương, chỉ được hưởng phần trăm giá trị tài sản tịch thu được qua nguồn tin báo. Nhưng không vì thế mà lực lượng “ngoài biên chế” này không bám rừng và nắm chắc địa bàn của mình. Một cộng tác viên (xin được giấu tên) ở Ea Kar chia sẻ: cũng vì xót xa những cánh rừng ngã xuống bởi một nhóm người làm ăn phi pháp và tham lam nên mới nhận lấy nhiệm vụ nguy hiểm này. Nếu không thì chẳng dại gì “dây” vô, mất công, lại không may “mang vạ” vào thân một khi lâm tặc phát hiện được. Tâm sự của họ rất thật, hầu hết những quần chúng có sự “hợp tác” với cơ quan chức trách để bảo vệ rừng mà chúng tôi đã gặp trên địa bàn Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar, Ea Kar… đều có chung nhận thức trên và họ thật sự bất bình, lên án những hành vi “ăn cắp” tài nguyên của quê hương, đất nước. 

Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn rằng, từ tin báo của họ, sau đó lực lượng kiểm lâm mới triển khai phối hợp vây ráp, ngăn chặn, bắt bớ… trong khi hiện trạng rừng đã bị xâm hại rồi thì cũng không có ý nghĩa lắm. Phải nên ngăn chặn ngay từ xa, khi rừng chưa bị “tổn thương”.... Tâm sự này cũng đã được các hạt kiểm lâm trên địa bàn tỉnh thấu hiểu và đồng tình thực hiện. Ông Trương Văn Trưởng - Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn và ông Bùi Văn Khang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn cho biết, thời gian qua đã có những động thái kiên quyết và tích cực hơn nhằm chấn chỉnh hoạt động QLBV, phải gìn giữ cho được hiện trạng vốn tài nguyên rừng đang có, không để cho cây rừng tiếp tục ngã xuống… Từ nhận thức đó, Ban giám đốc Vườn, cũng như lãnh đạo Hạt liểm lâm Buôn Đôn đã chủ động có động tác trong sắp xếp, tổ chức lại lực lượng cũng như hệ thống QLBVR ở đây. Trước hết là có sự phân công, phân nhiệm cụ thể và rõ ràng đến từng cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Đưa kiểm lâm từ Hạt về các trạm nhằm tăng cường sức mạnh và hiệu quả cho công tác giữ rừng trên địa bàn. Theo đó, thuyên chuyển một số cán bộ, trạm trưởng các trạm vốn được coi là “điểm nóng” phá rừng lâu nay nhằm từng bước lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác và nhiệm vụ được giao. Nhất định không để xảy ra tình trạng yếu kém như trước, nhất là sự buông lỏng công tác QLBVR đã từng diễn ra trong thời gian qua. Hy vọng với những nỗ lực đó, lực lượng chuyên trách giữ rừng trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước đem lại sự bình yên cho những cánh rừng còn lại...

Lê Hoàng Phương

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.