Thác đẹp hoang phế
Thác Dray Dlông (chảy qua ranh giới xã Ea M’dróh và xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) là một trong những dòng thác đẹp nhất Tây Nguyên đã được công nhận danh thắng cấp quốc gia vào năm 2004. Nhưng từ đó đến nay, do bị bỏ hoang nên ngọn thác này chỉ là một thắng cảnh chết với một dòng chảy đang dần khô cạn và hệ sinh thái gần như kiệt quệ dưới bàn tay tàn phá khốc liệt của con người.
Nguy cơ hoang tàn
Từ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi vượt quãng đường 35km mới đến được thác Dray Dlông. Vẻ đẹp kỳ vĩ của thác Dray Dlông (hay còn gọi là Thác Cao) đã từng được ghi chép lại: “Đây là nơi gặp nhau của hai con suối Ea M’dróh (con suối lớn) và Ea M’drách (suối nhỏ). Từ trên độ cao 30m, hai dòng suối đổ vào nhau, bị đá chắn lại chia thành 3 dòng trải dài như 3 dải lụa trắng dội mạnh xuống chân thác ầm ầm suốt ngày đêm, những hạt nước dội tung, bắn lên tạo thành những làn khói trắng lung linh huyền ảo. Từ dưới nhìn lên thấy ngọn thác cao với, lấp lánh bạc. Xung quanh là một cánh rừng nguyên sinh với đủ các loại cây rừng mọc trên đá, trong đó có nhiều loại gỗ quý như: sao, hương, cà chít, bằng lăng tím... Gần chân thác là một rừng bạt ngàn tre và le rừng...”.
Khi còn cách chân thác khoảng 5km, một số người dân đã tỏ ra hết sức ngạc nhiên khi nghe chúng tôi hỏi đường vào thác: “Vào đó làm gì? Chẳng còn gì đâu”. Càng vào gần đến nơi, chúng tôi càng thất vọng bởi hai bên đường rẫy cà phê, bắp, tiêu… mỗi lúc một nhiều hơn, kéo dài vào đến tận chân thác và chỉ dừng lại khi còn cách mép nước chỉ 15m. Khu rừng nguyên sinh xung quanh bị chặt, đốn nham nhở và gần như trơ trụi. Ngay tại đỉnh thác, người ta ngang nhiên chặn dòng, đặt máy bơm hút nước tưới cà phê làm cho dòng nước gần như cạn kiệt, chỉ còn trơ ra bãi đá. Không còn nước, ngọn thác Dray Dlông giờ đây chỉ còn lại hai ngọn nước nhỏ chảy từ trên đỉnh xuống một cách buồn thảm. Kinh khủng hơn, trên đỉnh thác là vô số những chai, lọ, bao bì thuốc trừ sâu, diệt rầy đủ loại vương vãi đầy các kẽ đá. Từ đỉnh thác nhìn xuống có thể thấy hết được sự tàn phá khốc liệt của con người đối với thắng cảnh này. Không còn sao, hương và cà chít, thậm chí cả rừng le bạt ngàn lúc trước cũng bị chặt, đốt trơ trọi. Tất cả những gì mà Dray Dlông còn giữ được chỉ là một bãi đá khô cằn và dáng vẻ hùng vĩ của một thời mà thôi.
Thác Dray Dlông đang bị "bỏ quên". |
Chị Trần Thị Ngọc Mai, thôn Hiệp Thành, xã Quảng Hiệp trước kia từng buôn bán trong khu vực thác tâm sự: “Trước đây, thác Dray Dlông đẹp lắm, du khách kéo đến đây mỗi năm cũng nhiều. Nhưng khoảng 7-8 năm trở lại đây, người ta phá rừng dữ quá, thác cạn dần và cũng ít người đến đây hơn nên tôi không còn buôn bán ở đó nữa”. Chị Mai còn cho biết, cách thác khoảng 1km có buôn người dân tộc Êđê Adham sinh sống là buôn Cháy. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, buôn Cháy là buôn căn cứ của H.5 (lúc này buôn có tên gọi là buôn M’dróh). Bà con trong buôn M’dróh đã kiên cường đấu tranh, biến M’dróh trở thành một trạm quan trọng trong con đường vận chuyển lương thực cho kháng chiến từ trạm A10 B3 qua huyện Ea H’leo và Krông Bông, xuống Phú Yên và Khánh Hòa. Khi bị địch phát hiện, cả buôn bị địch đốt cháy không còn một nhà nào nên được gọi là buôn Cháy. Già làng Y Hom Niê Kđăm (70 tuổi, ở buôn Cháy) kể lại: Sự tích về hai con suối Ea M’dróh và Ea M’drách gắn liền với chiến công của hai anh em Mdróh và Mdrách đã hy sinh để chống lại thú dữ, bảo vệ buôn làng hay sự tích về nhiều loại cây, thuốc quý dưới chân ngọn Dray Dlông…
Bao giờ mới được bảo vệ?
Ông Ngô Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp cho biết: Thác Dray Dlông nằm giáp ranh giữa hai xã Quảng Hiệp và Ea M’dróh nên việc quản lý rất khó khăn. Khu vực xung quanh thác không được quy hoạch bảo vệ nên những năm gần đây dân di cư tự do vào khai thác rừng bừa bãi, lấn chiếm đến tận chân thác để làm nương rẫy. Hiện nay, huyện đã giao 5 ha đất trồng rừng ở khu vực xung quanh chân thác và đang triển khai xây đập nước, lập phương án bảo vệ, trồng thêm rừng tái sinh và hàng loạt các dự án để biến Dray Dlông thành khu du lịch lý tưởng. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này hiện vẫn còn “đang nằm trên… giấy vì chưa có nhà đầu tư”. Còn ông Y Ben (Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích tỉnh) lý giải: “Nguyên nhân thác Dray Dlông hoang phế là do từ khi được công nhận danh thắng cấp quốc gia, việc quản lý và bảo vệ thác không được giao cho một cấp nào cụ thể, chính tình trạng đó đã dẫn đến việc “cha chung không ai khóc” như hiện nay.
Ý kiến bạn đọc