Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng sạt lở bờ sông: Sông Krông Ana “nuốt” đất sản xuất

08:56, 29/06/2011

Những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ sông Krông Ana, đoạn chảy qua huyện Krông Bông diễn ra ngày càng trầm trọng, “nuốt” nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân dọc hai bên bờ sông. Vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này khiến nhiều người dân canh cánh nỗi lo bị sông… “nuốt” mất ruộng.

Đoạn sông trên có chiều dài 27 km, chảy qua địa phận các xã Yang Reh, Ea Trul, Khuê Ngọc Điền, Cư Kty, Hòa Lễ, Hòa Sơn, Hòa Phong. Hầu hết các địa phương này đều chịu ảnh hưởng của tình trạng sạt lở đất dọc bờ sông từ nhiều năm nay. Đi dọc bờ sông này qua một số xã sẽ dễ thấy cảnh tượng đất sản xuất ở nhiều đoạn bị sạt lở, trụt xuống sông, có chỗ lở ăn sâu vào giữa ruộng ngô của bà con, cao đến 2m. Chị Nguyễn Thị Lan, thôn 3, xã Hòa Lễ cho biết, mỗi năm, sông lấn vào một ít, đặc biệt, vào mùa mưa lũ, đi làm ven bờ sông, nghe tiếng đất lở ầm ầm mà xót ruột…

Bờ sông Krông Ana bị sạt lở đoạn qua thôn 2, xã Cư Kty.
Bờ sông Krông Ana bị sạt lở đoạn qua thôn 2, xã Cư Kty.

Cư Kty là một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất của việc sạt lở, với chiều dài 1,5 km đất ven sông của người dân các thôn 2, 3 và 7, có một vài điểm mỗi năm sông lấn sâu vào đến 5m. Ông Nguyễn Tấn (76 tuổi), gần cả cuộc đời gắn bó bên dòng sông này, cho biết; trước đây, sông hiền lắm, hai bên bờ sông có nhiều cây cổ thụ, người dân thường xuyên tắm rửa và giặt đồ ở các bến sông. Hơn 10 năm trước, lòng sông đoạn chảy qua gần nhà ông rộng chưa đầy 30m, có thể bơi qua dễ dàng, bây giờ đã rộng hơn 50m, nước chảy mạnh hơn. Thôn 2 là nơi bị sạt lở nặng nề nhất trong xã, với hơn 30 ha đất trồng ngô, đậu của bà con nằm ven sông, 5 năm nay, năm nào cũng bị lở. Anh Phạm Nam có hơn 2 sào đất trồng ngô ven bờ sông hiện đã bị giảm khoảng vài trăm m2. Anh Phạm Quang Thân, Phó thôn 2 cho biết: thôn có 167 hộ, sống cách bờ sông trung bình khoảng 200m, trong đó, những hộ gần bờ sông nhất chỉ cách chưa đầy 100m, hiện tại việc sạt lở chỉ ảnh hưởng đến đất canh tác, nhưng một số hộ đang lo lắng, về lâu dài, bờ sông sạt lở sẽ đe dọa đến nhà cửa của họ.

 

Tình trạng sạt lở ở các xã trên xảy ra từ hàng chục năm nay và ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do việc đào cây mưng, sung dọc bờ sông và trục vớt gỗ dưới đáy sông. Tuy nhiên, căn nguyên lớn nhất là tình trạng hút cát dưới lòng sông ngày càng rầm rộ những năm gần đây, dẫn đến thay đổi dòng chảy. Ông Nguyễn Thanh Hoa, Phó chủ tịch UBND xã Cư Kty cho biết, đoạn sông qua xã hàng ngày có nhiều tàu hút cát lớn nhỏ hoạt động. Chính quyền địa phương chỉ có thể kiểm tra nhắc nhở đơn vị khai thác cát lớn nhất do UBND tỉnh cấp giấy phép, trong khi đó, một số tàu hút cát không có phép lại ở địa phương khác, thay đổi thời gian hoạt động liên tục, nên lực lượng kiểm tra rất khó phát hiện xử lý.

Minh Thông

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.