Multimedia Đọc Báo in

Thông tin mới về biến đổi khí hậu

08:46, 10/06/2011

1. Nhiệt độ tăng làm giảm năng suất cây trồng
Các chuyên gia ĐH Columbia (Mỹ) vừa công bố nghiên cứu dài kỳ từ năm 1980 cho biết nhiệt độ trái đất tăng là nguyên nhân chính làm cho sản lượng các loại cây lương thực giảm mạnh, nhất là các loại cây trồng chủ lực như ngô, mì, lúa gạo và đậu tương (những loại cây trồng cung cấp tới 75% sản lượng lương thực trên quy mô toàn cầu). Theo nghiên cứu trên, từ năm 1980 đến nay  cứ vào dịp  gieo trồng,  nhiệt độ bắt đầu ấm lên rõ rệt, kể cả khi mùa mưa đến. Trong số những loại cây trồng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi nhiệt độ tăng có ngô giảm 5,5% sản lượng, lúa mì 3,8%, riêng lúa gạo lại ít bị ảnh hưởng hơn, tuy nhiên con số này vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng bởi một số quốc gia không có số liệu thống kê.

2. Nhiệt độ tăng làm đại dương nhả ra nhiều CO2
 Phân ban nghiên cứu Nam Cực của Australia (AAD) vừa công bố nghiên cứu cho biết, trong thời gian gần đây, nhiệt độ không khí tăng cao đã làm cho đại dương nhả ra nhiều khí CO2 hơn, thủ phạm làm gia tăng hiệu ứng khí nhà kính, gây ra nhiều hiệu ứng tiêu cực cho môi trường và con người. Thông thường, đại dương hấp thụ ít nhất 30% CO2, kể cả nguồn nhân tạo và từ các nguồn khác, nhưng một khi khả năng hấp thụ giảm thì nhiều điều bất lợi có thể xảy ra. Cảnh báo trên của AAD dựa vào nghiên cứu lõi băng Siple và Byrd ở Nam Cực,  đo mức độ hấp thụ CO2 của các bong bóng nhỏ xíu trong các lõi băng và so sánh. Cơ chế nhả CO2 tăng có 2 lý do: một là khi băng tan, nước biển trào dâng làm cho CO2 ở độ sâu bắt đầu thoát lên bề mặt; hai là khi nước biển nóng lên giống như một hộp nước giải khát, nó sẽ làm cho khí gas thoát ra ngoài nhanh hơn.

3. Anh phấn đấu giảm 50% mức phát tán khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2025
Để đạt mục tiêu giảm 50% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2025,  đầu tháng 5 vừa qua ông Chris Hubne, Bộ trưởng phụ trách năng lượng và biến đổi khí hậu của Anh cho biết nước này sẽ mở cửa trở lại trại gió Delabole Wird Farm bằng cách lắp thêm hệ thống tua bin mới để phấn đấu đến năm 2020 giảm được 20% khí thải và đạt 50% vào năm 2025 so với mức năm 1990 như đã cam kết với Liên minh châu Âu. Cũng theo ông bộ trưởng, cùng với nhà nước các gia đình cũng phải cam kết sử dụng các thiết bị gia dụng có mức hiệu quả về mặt năng lượng, nhằm tiết kiệm và giảm thiểu tiêu hao năng lượng, đồng thời khai thác tối đa nguồn năng lượng sạch, năng lượng lựa chọn khác.

4. Năm 2012 Australia sẽ đánh thuế phát tán khí CO2
Theo tờ Sydney Morning Harald số ra đầu tháng 5 vừa qua cho biết, ông Greg Combet,  Bộ trưởng biến đổi khí hậu Australia tiết lộ,  nước này hiện đang nghiên cứu kế hoạch đánh thuế phát tán khí carbon đối với một số ngành công nghiệp nhằm hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm. Đạo luật trên dự kiến sẽ được công bố vào tháng 6 tới, với mức giá 40 đôla Australia (trên 600.000 VND)/tấn CO phát tán. Với chính sách thuế mới trên nhiều nơi sẽ chuyển sang sử dụng công nghệ sạch, chuyển sang các loại nhiên liệu sạch khác thay cho than. Cũng theo số liệu của chính phủ thì mức ô nhiễm khí nhà kính tính theo đầu người ở Australia hiện nay thuộc diện cao nhất thế giới, vì than là nguyên liệu được dùng phổ thông. Dự kiến mức thuế này sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1-7-2012. Việc đưa vào áp dụng loại thuế nói trên sẽ giúp Australia đạt mục tiêu giảm ít nhất 5% mức phát tán khí thải vào năm 2020 so với năm 2000.

 
5. La Nina- thủ phạm gây mưa lớn ở Colombia
Tờ Guardian của Anh số ra ngày 10-5 vừa qua cho biết, trong vòng 10 tháng trở lại đây lượng mưa ở Colombia tăng nhanh, cao gấp 5-6 lần so với mức bình thường, ảnh hưởng tới 3/4 lãnh thổ trong cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế chung. Tính đến 10-5 có 425 người bị thiệt mạng và 3 triệu người khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, 12.000 ngôi nhà bị phá hủy và 356.000 người mất nhà cửa, trên 1 triệu ha đất bị úng lụt, đặc biệt là vùng đồng bằng Sabane. Theo các chuyên gia ở Bộ Môi trường, thủ phạm chính gây mưa lớn là La Nina, đây là hình thái khí hậu thường xảy ra theo chu kỳ lặp lại, 5-6 năm xuất hiện một lần, nhưng gần đây do tác động của việc biến đổi khí hậu, nhất là khi nhiệt độ trái đất nóng lên thì tần suất cũng như mức độ của La Nina lại càng dày thêm. Trong số những nguyên nhân tạo nên hiện tượng khí hậu này có đóng góp không nhỏ của con người, nhất là nạn phá rừng, khai mỏ, xây dựng bừa bãi làm cho môi trường sinh thái cạn kiệt và hậu quả cuối cùng là con người phải gánh chịu, nhất là nhóm người nghèo.

Khắc Nam (Theo SD/Guardian -5/2011)

 


Ý kiến bạn đọc