Multimedia Đọc Báo in

Cách đây hơn 600 năm đã có hương ước bảo vệ môi trường

15:43, 12/07/2011

Làng Quỳnh Đôi, thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An là một làng nổi tiếng vào hàng bậc nhất nước ta. Ở đây không chỉ nổi tiếng vì có nhiều người đỗ đạt (thời phong kiến có khoảng 1000 người đậu tú tài (sinh đồ) trở lên; sau năm 1945 đến nay, thống kê chưa đầy đủ đã có khoảng 10 giáo sư, 45 tiến sĩ, 50 thạc sĩ…), mà còn nổi tiếng bởi cách đây trên 600 năm đã xây dựng được một hương ước của làng rất văn minh…

Những quy định cách đây đã hơn 600 năm - vẫn còn nguyên giá trị thời sự, vẫn có tính giáo dục hết sức sâu sắc.
Những quy định cách đây đã hơn 600 năm - vẫn còn nguyên giá trị thời sự, vẫn có tính giáo dục hết sức sâu sắc.
Đọc cuốn “Quỳnh Đôi cổ kim sự tích hương biên” do ông Hồ Phi Hội khởi biên, ông Hồ Trong Chuyên tục biên, ông Hồ Văn Khuê biên khảo, người đọc không khỏi kinh ngạc và khâm phục về một số quy định về bảo vệ môi trường của làng Quỳnh Đôi từ cách đây hơn 600 năm. Cụ thể như sau: “Trong đầm (của làng), từ nay về sau ai đánh cá thì được dùng lưới thưa, cấm dùng lưới dày, ai không tuân thì làng xé lưới, đưa về đình đốt (điều 13, mục Khoán làng); “Nước giếng Bà Cả từ xưa vẫn trong và thơm, cả làng đều lấy về ăn uống. Mọi người dùng nước giếng ấy phải tiết kiệm, đề phòng khi hạn hán vẫn có nước mà dùng. Cấm múc nước ở đó ra để rửa rau, vo gạo, cho trâu bò uống và tắm giặt. Ai trái lệ phải phạt” (điều 77, mục đã dẫn); “Các đầm Đập Bản, Bờ Re, Quý Đôi cả làng đắp để lấy lợi chung, không phải vì lợi riêng của người nào, không ai được đánh cá, đào đê, đặt lờ mưu lợi riêng. Đường đê Bờ Re do ba ông tổ ba họ Hồ, Nguyễn, Hoàng đắp từ xưa, trồng cây cốt để rậm rạp, ai chặt phá bị phạt một lợn giá 1,5 quan” (điều 80, mục đã dẫn); “Những chỗ Hói Nồi, Hói Ông Hành cây cối rậm rạp là cốt để giữ đê phòng nước dâng, quan trọng lắm. Lâu nay vẫn có lệ cấm chặt cây, nhưng nhiều người coi thường, chặt trộm, từ nay cấm chặt hẳn” (điều 81, mục đã dẫn); “Các đường trong 4 xóm, thuộc địa phận xóm nào thì xóm ấy phải đắp cho cao ráo vững chắc. Xóm nào để lở thì làng phạt xóm ấy. Trẻ con phóng uế dọc đường, bắt được thì đánh 10 roi, trách cứ cả cha mẹ” (điều 83, mục đã dẫn)…

Còn rất nhiều quy định khác liên quan đến vấn đề môi trường của hương ước làng Quỳnh Đôi mà không thể trích hết ra đây. Nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ cho ta thấy từ cách đây hơn 600 năm, những người có trách nhiệm quản lý làng xã đã hiểu sâu sắc tác dụng của môi trường đối với sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của cộng đồng, biết được giá trị của cây xanh, của nước… và biết đề ra các quy định để mọi người cùng chấp hành, thực hiện, nhằm bảo vệ môi trường bền vững

Ngày nay, mặc dù chúng ta đã bước vào một thời đại văn minh hơn nhiều, trí tuệ, hiểu biết và điều kiện sống của con người đã hơn hẳn thuở ấy, thế nhưng vẫn có không ít người ý thức bảo vệ môi trường sống rất kém. Và vì vậy những quy định trên đây của làng Quỳnh Đôi (Nghệ An), dù cách đây đã hơn 600 năm vẫn còn nguyên giá trị thời sự, vẫn có tính giáo dục hết sức sâu sắc.

Đặng Bá Tiến

Ý kiến bạn đọc