Dự án FLITCH: Cơ hội mới cho nghề rừng
Với mục tiêu tăng cường năng lực quản lý, sử dụng rừng và đất rừng cho tổ chức, cộng đồng và hộ dân; quản lý phát triển rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học; cải thiện sinh kế nhằm nâng cao thu nhập của người dân; giải quyết nhu cầu thiết yếu về cơ sở hạ tầng ở nông thôn.... có thể nói Dự án Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên (FLITCH) là cơ hội để phát triển rừng và nghề rừng, lâm nghiệp cộng đồng, trong đó có Dak Lak.
Là một trong những địa phương được hưởng lợi từ Dự án, sau hơn 2 năm triển khai trồng rừng (2009), xã Krông Nô (huyện Lak) đã phủ xanh gần 100 ha đất trống, đồi trọc với 65 hộ dân ở các buôn: Trang Yuk, Yông Hăt, Rơ Cai A, Rơ Cai B, Phidiza B, Dăk Rmưk tham gia. Phần lớn diện tích ở đây là đất đồi, ven rừng đã bị hoang hóa, bạc màu không thể sử dụng sản xuất nông nghiệp được. Tuy người dân vẫn sử dụng để trồng lúa rẫy và các loại hoa màu khác nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Theo ông Y Krang Ndu, Chủ tịch UBND xã Krông Nô, với sự hỗ trợ của Dự án trong trồng rừng, ổn định kinh tế, thành lập quỹ phát triển xã cho các hộ dân vay vốn phát triển kinh tế ngắn và trung hạn, nâng cao năng lực sản xuất của nông dân đang tạo nhiều cơ hội cho hộ nghèo phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo vệ, phát triển vốn rừng. Chính vùng đất đồi tưởng chừng như là vùng đất “chết” này, không thể canh tác bất cứ loại cây gì lại rất thích hợp với cây keo lai giâm hom. Tuy mới được người dân trồng 2 năm nhưng các vườn cây phát triển rất tốt, cây cao hơn 5 mét và có đường kính từ 12-15 cm. Theo tính toán của những người dân nơi đây, sau chu kỳ 5-7 năm trồng và chăm sóc, 1 ha sẽ cho thu nhập gần cả trăm triệu đồng và chỉ trích lại 20% cho Dự án. Suốt chu kỳ, người dân được dự án hỗ trợ hoàn toàn về kinh phí đầu tư, chỉ bỏ công chăm sóc hơn nữa việc trồng rừng phù hợp với tập quán canh tác của người dân địa phương, cho nên Dự án được chính quyền kỳ vọng sẽ là cơ hội tốt để nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo.
Người dân vùng dự án được hỗ trợ giống cây lâm nghiệp để trồng rừng. (Ảnh minh họa) |
Có thể nói đây là dự án phát triển nghề rừng tương đối toàn diện, từ qui hoạch, trồng, giao khoán, bảo vệ rừng cũng như trong khai thác chế biến lâm sản, phát triển hạ tầng nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái... Việc triển khai thành công Dự án Flitch tại tỉnh ta sẽ góp phần đẩy nhanh công tác xã hội hóa nghề rừng, trong đó đích hướng đến là quản lý, phát triển rừng bền vững và nâng cao đời sống cũng như thu hút người dân tham gia gắn bó lâu dài với nghề rừng.
Dự án Flitch, do Bộ NN & PTNT quản lý, được triển khai trực tiếp trên 60 xã của 22 huyện thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Phú Yên, với tổng diện tích hơn 1 triệu ha. Tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD (phần lớn từ nguồn vốn vay của ADB). Dự án bao gồm 4 hợp phần: Đầu tư phát triển và quản lý tài nguyên rừng bền vững; cải thiện sinh kế của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng; xây dựng năng lực và công tác quản lý dự án. Thời gian triển khai trong 8 năm, dự kiến kết thúc vào tháng 12-2014. |
Ý kiến bạn đọc