Multimedia Đọc Báo in

Những lưu ý về điều kiện thời tiết thủy văn tháng 7, tháng 8 ở Tây Nguyên

09:07, 12/07/2011

Tháng 7, tháng 8 là thời gian giữa mùa mưa ở Tây Nguyên cũng là thời kỳ mà gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh và ổn định nên thường có số ngày mưa và lượng mưa lớn nhất trong năm. Ngoài ra, trong thời kỳ này, các cơn bão hoạt động trên biển Đông xuất hiện thường xuyên hơn. Tuy rất ít khi ảnh hưởng trực tiếp tới Tây Nguyên nhưng chúng lại có tác động kích thích gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh hơn, tạo ra những đợt mưa dài ngày liên tiếp, trong đó có một số ngày mưa tăng mạnh về lượng, sinh ra lũ lụt trên các sông suối, có khi là lũ lớn, lũ quét.

Đáng chú ý nhất của diễn biến thời tiết tháng 7, tháng 8 ở Tây Nguyên là có mưa đều (trừ các vùng nằm về phía sườn đông Trường Sơn) và phần lớn số ngày trong tháng có mưa, trong đó ở thời kỳ từ giữa tháng 7 đến hết tháng 8 thường có nhiều ngày có mưa liên tục gây ra tình trạng ẩm ướt, sương mù ảnh hưởng rất xấu tới đời sống sinh hoạt, giao thông và sản xuất của nhân dân.

Tháng 7, tháng 8 là thời kỳ đầu mùa lũ trên đại trà các sông suối ở Tây Nguyên. Đây cũng là thời kỳ mưa nhiều, mặt đất luôn ở trạng thái no nước nên nếu xuất hiện một vài ngày mưa tăng đột biến thì nguy cơ xuất hiện lũ là rất lớn, nhất là lũ quét và sạt lở đất. Thông thường, để có được những ngày có mưa lớn phải có tác động của cả hệ thống thời tiết như gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh lên bột phát, hoặc các nhiễu động mạnh ngoài biển Đông như bão, áp thấp nhiệt đới thiết lập nên dải hội tụ nhiệt đới có trục đi ngang qua Trung đến Nam Trung bộ. Điển hình cho những trận mưa lũ dạng này là trận lũ đặc biệt lớn kèm theo lũ quét xuất hiện trên các sông Dak Nông, Dak R’Tih hồi tháng 7-1999 hoặc các trận mưa sinh lũ lớn, lũ quét xuất hiện hồi tháng 8-2006 ở Ea Súp (Dak Lak); thị xã Gia nghĩa cùng các huyện phía nam tỉnh Dak Nông… Tuy nhiên, trong một số trường hợp, điều kiện địa hình cũng có tác động mạnh mẽ đến những trận mưa đột biến có lượng lớn sinh lũ, lũ quét như trận mưa lũ vào tháng 8-2003 ở Buôn Đôn và Cư M’gar làm chết 9 người, 4 người mất tích và thiệt hại vật chất lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây là một dạng mưa lũ có tính chất cục bộ, rất khó dự báo trước và có tính chất đặc biệt nguy hiểm.

Nhìn chung, thời tiết tháng 7, tháng 8 ở Tây Nguyên có phần ít thuận lợi bởi những tính chất cực đoan nêu trên. Ngoài ra, ở một số năm, trong khi phần lớn diện tích nằm ở phần sườn tây Trường Sơn có mưa dầm dề, thừa nước thì ở một số ít phần phía đông - chủ yếu thuộc các vùng phía đông của các tỉnh Gia Lai, Dak Lak lại có hiện tượng hạn; lượng mưa quá ít nên cây trồng không đủ lượng ẩm cần thiết để sinh trưởng bình thường - điển hình như đợt nắng hạn trong mùa mưa vào tháng 7-2005.

Nhà dân ở phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) bị sập do mưa lớn vào năm 2010.           Ảnh: T.L
Nhà dân ở phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) bị sập do mưa lớn vào năm 2010. ( Ảnh: T.L)
Năm nay, trong thời  kỳ đầu mùa mưa (tháng 5, tháng 6), ở Tây Nguyên đã có mưa khá đều nên mùa lũ ở một số sông suối đến sớm, có nơi như Chư Prông (Gia Lai) đã xảy ra lũ quét, hay nhiều nơi ở Kon Tum đã có lũ lên xấp xỉ mức báo động cấp 2 và xảy ra sạt lở đất khá nghiêm trọng. Đến đầu tháng 7, ở nhiều lưu vực sông suối mặt đất đã no nước; nước trong các ao hồ cũng đã đầy; các sông suối đang chuyển sang thời kỳ mùa lũ nên nguy cơ xuất hiện thiên tai lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất khi có mưa lớn là rất cao.

Theo nhận định, thời kỳ đầu tháng 7 năm nay, thời tiết có xu thế diễn biến thuận lợi, nguy cơ xuất hiện tai biến thiên tai thấp, phổ biến thời tiết tốt, mây thay đổi, ngày có nắng, đêm và sáng có ngày có mưa rào và dông; mực nước trên các sông suối có dao động và ít có khả năng xuất hiện lũ lớn trên các sông chính nhưng cần đề phòng lũ lên nhanh, lũ quét và sạt lở đất xuất hiện cục bộ ở các suối nhỏ vùng đất dốc xung yếu. Nhìn chung, thời kỳ đầu tháng 7, điều kiện thời tiết có phần thuận lợi đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Sang thời kỳ giữa, cuối tháng 7 và tháng 8, thời tiết chuyển xấu dần, bầu rrời thường xuyên âm u, thời tiết ẩm ướt, có mưa nhiều, có ngày có mưa vừa, mưa to, cá biệt mưa rất to. Mực nước trên các sông suối có dao động đáng kể và có lũ; có khả năng có lũ lớn với mực nước đỉnh lũ đạt cao hơn mức báo động cấp 2, có nơi lên xấp xỉ mức báo động cấp 3 gây ngập lụt ở các vùng trũng thấp, lũ quét và sạt lở đất ở các suối nhỏ, vùng đất dốc xung yếu.

Để khai thác những điều kiện thuận lợi và hạn chế tác hại của diễn biến thời tiết trong tháng 7, tháng 8 năm nay, chính quyền và nhân dân các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các bản tin thời tiết; bố trí sản xuất hợp lý, chú ý đến công tác bảo vệ sức khỏe con người, chăm sóc cây trồng, vật nuôi trong điều kiện mưa nắng xen kẽ của thời kỳ đầu tháng 7 và điều kiện ẩm ướt, ít ánh sáng mặt trời trong thời kỳ giữa tháng 7 đến hết tháng 8; tranh thủ những ngày thời tiết tốt, ít mưa lũ để tập trung tu sửa đường sá, cầu cống, hồ đập, gia cố nhà cửa và các công trình dân sinh khác; chủ động tiêu thoát nước ở các ao hồ, vùng trũng thấp để bảo đảm an toàn khi có mưa lớn và góp phần hạn chế mức độ nguy hiểm của thiên tai,…

Nguyễn Văn Huy

Ý kiến bạn đọc