Multimedia Đọc Báo in

Ô nhiễm môi trường từ... chợ cá

09:10, 12/07/2011

Cùng với chợ cá bán sỉ khu vực chợ Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), những chợ cá ở các huyện cũng hoạt động khá nhộn nhịp với tổng lưu chuyển hơn 30 tấn cá/ngày, dịp cao điểm có khi tăng gấp rưỡi. Sự phát triển của chợ cá đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc mua bán cá và thủy sản nói chung, thúc đẩy phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, nhưng cũng làm nảy sinh nhiều tác động bất lợi về vệ sinh môi trường.

Nhận diện “thủ phạm” gây ô nhiễm
Theo khảo sát mới đây của Chương trình hỗ trợ ngành thủy sản giai đoạn 2 (FSPS - II) tại Dak Lak, hầu như các chợ cá trên địa bàn đều trong tình trạng mất vệ sinh, trong đó đáng quan ngại nhất là vấn đề rác và nước thải. Hiện tại, các chợ cá thường nằm chung trong khuôn viên chợ, không tách bạch với các khu buôn bán hàng hóa khác nên tình  trạng ô nhiễm càng đáng ngại.  Rác và nước thải chợ cá chứa chủ yếu các chất hữu cơ, dầu mỡ động vật, các phế thải thủy sản dễ phân hủy nhưng do không được thu gom xử lý, nước đổ thẳng ra môi trường không qua xử lý sinh học, khu chợ lại không được làm vệ sinh khử mùi thường xuyên nên các chất thải tích tụ lâu ngày bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết là do các chợ còn hạn chế về hạ tầng kỹ thuật, chưa có chế độ vệ sinh hợp lý và chưa có người  giám sát công tác bảo đảm ATVS thủy sản. Đơn cử, chợ cá Ea Súp nằm trên khu đất cao không ngập nước nhưng nhiều chỗ là nền đất tự nhiên, nước và dịch thải từ các sản phẩm thủy sản xâm nhập vào bề mặt đất gây dơ bẩn, hôi thối; hơn nữa hệ thống mái che không bảo đảm nên khi trời mưa nền đất trở nên lầy lội, ẩm ướt. Các rãnh thoát nước được bố trí rất nông, không theo hệ thống và không có nắp đậy, khi lượng nước thải thoát ra quá nhiều, tràn lên trên mặt sàn. Chợ không bố trí khu vực đổ rác thải, không có thùng đựng rác nên toàn bộ rác thải được vứt tùy tiện, ở các khu đất trống xung quanh chợ hoặc ngay dưới mặt sàn bán hàng. Trong chợ không có kho bảo quản đông lạnh nên các sản phẩm sau khi đưa đến chợ không qua sơ chế mà bán trực tiếp cho người tiêu dùng hoặc mang đi nơi khác tiêu thụ. Ở chợ Buôn Trấp (Krông Na), điều kiện vệ sinh có khá hơn. Theo Ban quản lý chợ và một số hộ kinh doanh thủy sản, chợ có hệ thống nước sạch cung cấp khá đủ cho các hoạt động. Hệ thống thoát nước gồm các rãnh thoát kết nối với các hố lắng bố trí dưới nền chợ, các rãnh bố trí tại các lối đi, có nắp đậy để tránh rác thải gây tắc nghẽn. Tuy nhiên, nước thải từ chợ không được xử lý mà xả trực tiếp ra môi trường qua hệ thống thoát nước nên cũng gây ô nhiễm khu vực lân cận, nền chợ được cứng hóa nhưng bề mặt không phẳng, nhẵn nên vẫn đọng nước… 

Hạ tầng kỹ thuật hạn chế, các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc buôn bán cá đều mang tính tự phát, thiếu đồng bộ. Đơn cử như kệ hàng, dao thớt, thùng đựng đều do mỗi người bán hàng tự trang bị tùy điều kiện buôn bán. Kệ hàng được làm bằng đủ loại vật liệu, như xi măng, gạch, gỗ, thậm chí nhiều nơi không có kệ, hàng bày thẳng trên nền đất; dụng cụ đựng thủy sản cũng đủ loại, như rổ rá, thau chậu, thùng, khay nhôm, nắp thùng xốp, thậm chí chỉ là một tấm nilon trải trên nền đất…những yếu tố này đã tác động không nhỏ tới tình trạng vệ sinh khu vực chợ cá. Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia mua bán về vấn đề ATVSTP và vệ sinh môi trường (VSMT) cũng còn khá mơ hồ. Kết quả phỏng vấn ngẫu nhiên tại chợ cá của FSPS - II cho thấy: trong tổng số người được phỏng vấn, hơn 60% cho biết chỉ mới được “nghe qua”, thậm có 30% “chưa nghe bao giờ” về vấn đề này. Nguồn thông tin mà người dân được nghe chủ yếu qua báo đài, chứ không phải qua kênh trực tiếp như họp hành, tập huấn. Hầu hết đều công nhận chợ cá gây ô nhiễm ở các mức độ khác nhau, nhưng vẫn không quan tâm lắm đến vấn đề bảo đảm vệ sinh. Ý thức bảo vệ môi trường của từng cá nhân chưa cao, còn khoảng 50% đổ thẳng nước, rác thải  ra môi trường,  các loại dụng cụ buôn  bán cá vẫn thường để lẫn lộn, lăn lóc trên nền đất lầy lội...

 Điều kiện buôn bán ở chợ cá chưa bảo đảm vệ sinh.
Điều kiện buôn bán ở chợ cá chưa bảo đảm vệ sinh.
Quy chuẩn vệ sinh cho chợ cá
Để khắc phục tình trạng này, theo các chuyên gia FSPS, rất cần phải có một quy chuẩn vệ sinh cho chợ cá. Theo đó, phải nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu buôn bán cá cũng như thủy sản tách biệt với các khu khác.

Phải có đủ nguồn nước sạch đến từng quầy, hệ thống thoát nước phải là rãnh có đủ độ sâu, hố thoát nước có nắp đậy để tránh bốc mùi hôi và tránh vật dụng rác thải rơi vào làm tắc nghẽn; có thùng rác để thu gom rác thải, trong đó có thùng riêng chứa chất thải hữu cơ từ thủy sản; hệ thống mái che phải thoáng, cao bảo đảm chợ hoạt động bình thường trong mọi điều kiện thời tiết; mặt nền chợ phải được làm mới bằng lớp bê tông có tuổi thọ kéo dài để không bị xói lở, đọng nước; xây dựng các bục bệ bằng đá granit hoặc gạch men chất lượng cao để vừa bền vừa sạch, bảo đảm ATVSTP, thẩm mỹ cũng như tiện lợi cho cả người mua và bán; sử dụng dụng cụ đựng thủy sản bền, hợp vệ sinh…Đặc biệt, nước thải từ khu chợ cá phải được xử lý theo công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tế, sau khi đạt các thông số cần thiết theo tiêu chuẩn cho phép mới được xả ra môi trường. Đồng thời, phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy vấn đề ô nhiễm có tác hại như thế nào với chính mình và cộng đồng, để từ đó cùng chung tay cải thiện, giữ gìn vệ sinh chung.

Cải thiện điều kiện vệ sinh chợ cá là yêu cầu hợp lý, cần thiết, nhưng theo ý kiến của nhiều tiểu thương cũng như Ban quản lý các chợ; đây là điều không dễ thực hiện ngay. Bởi chỉ riêng việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo quy chuẩn như trên đã đòi hỏi những điều kiện cần thiết đi kèm không dễ đáp ứng như: nguồn vốn, mặt bằng, nhân lực… Vì vậy, trước mắt ban quản lý các chợ có thể huy động nguồn vốn cải tạo, nâng cấp các hạng mục thiết yếu, ưu tiên cho hạng mục mặt nền và hệ thống thoát nước, thùng rác; mặt khác, chú ý tuyên truyền nội dung giữ gìn vệ sinh môi trường một cách ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng để mọi người có thể hiểu và làm theo, từ đó góp phần giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường.

Hoa Hồng

Ý kiến bạn đọc