Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Súp: 8 năm mất trên 2.000 ha rừng

09:58, 19/10/2011
Huyện Ea Súp vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ – TU khóa VIII ngày 16-7-2003 về “tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng”.
 
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, xác định nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc trong huyện, cấp ủy, chính quyền huyện Ea Súp đã cụ thể hóa nghị quyết của cấp trên bằng các văn bản hướng dẫn, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường các biện pháp kể cả biện pháp cấp bách để quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên tình trạng phá rừng, khai thác trái phép lâm sản, mua bán vận chuyển động vật rừng và gần đây là vấn đề lấn chiếm buôn bán đất rừng vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Theo báo cáo của ngành chức năng, phá rừng, xâm chiếm đất rừng chủ yếu diễn ra ở các khu vực sản xuất, diện tích rừng được giao cho các công ty lâm nghiệp, các công ty thuê đất lập dự án trồng cao su, các nhóm hộ và chính quyền địa phương. Mục đích phá rừng không phải do bức xúc về đất ở, đất sản xuất mà phá rừng ở các khu vực đất tốt để trồng cây lương thực, cây công nghiệp sau đó sang nhượng trái pháp luật. Từ năm 2004 đến nay, diện tích rừng trên địa bàn huyện bị mất là 2.077 ha, bình quân mỗi năm mất xấp xỉ 260 ha. Cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 1.748 vụ với gần 4.700m3 gỗ từ nhóm 2a đến nhóm 8. Đáng lo ngại là tình trạng lâm tặc chống người thi hành công vụ có tổ chức, hành vi trắng trợn có tính chất côn đồ như đánh người, đập phá phương tiện, tài sản, đã có 3 vụ chống người thi hành công vụ gây thương tích một người, nhiều phương tiện bị lâm tặc hủy hoại. Rừng bị phá và lấn chiếm xảy ra hầu hết các địa phương và đã tạo thành điểm nóng ở các xã Cư Mlan, Ea Bung, Ya Tơ Mốt, Cư Kbang, Ea Rốc …. Đặc biệt rừng phòng hộ đầu nguồn ở khu vực hồ Ea Súp thượng bị băm nát, trở thành nương rẫy của cá nhân.
 
Theo ý kiến của các đại biểu dự hội nghị, xảy ra tình trạng trên chủ yếu là do công tác quản lý thiếu đồng bộ, chưa có sự phối hợp với chính quyền địa phương và ngành chức năng, chưa xóa bỏ được các điểm chế biến gỗ, xưởng mộc gần rừng, thiếu kiên quyết trong xử lý các vụ vi phạm, một số vụ án chưa đủ sức răn đe, xử lý chưa đúng đối tượng cầm đầu. Để bảo vệ được diện tích rừng còn lại, huyện Ea Súp yêu cầu các xã và ngành chức năng trong huyện cần có thái độ kiên quyết, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, tổ chức truy quét các điểm nhóm phá rừng, truy tố các đối tượng vi phạm thật nghiêm minh, kiểm tra các dự án thuê đất trồng rừng sai mục đích kiến nghị cấp trên thu hồi.
Phan Ba

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.