Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về hai ông lão làm công tác môi trường

16:04, 22/01/2012

Dù đã bước sang độ tuổi thất thập, nhưng ông Đoàn Ngọc Khuê, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh và Y Khuôn Êban, Phó Chủ tịch Hội vẫn hằng ngày say mê với công tác bảo vệ thiên nhiên và môi trường. Mỗi khi nhận được thông tin phản ánh có ô nhiễm môi trường ở một khu vực nào đó trên địa bàn tỉnh, hai ông lại lặn lội tìm đến nơi để vận động mọi người cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp.

Ông kỹ sư nông nghiệp với các dự án cải tạo môi trường
Có dịp đến Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh vào sáng thứ hai và thứ tư hằng tuần, hình ảnh một ông lão đang say sưa bên bàn làm việc khiến chúng tôi rất cảm phục trước sự nhiệt tình và tấm lòng đó. Năm nay, đã bước qua tuổi 80, cái tuổi đáng lẽ phải an hưởng tuổi già, thế nhưng ông kỹ sư nông nghiệp Đoàn Ngọc Khuê (xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) không chịu ngồi yên mà hằng ngày vẫn hăng say đi tuyên truyền BVMT trong cộng đồng dân cư. Những chuyến đi xa vào các thôn, buôn, trường học để tuyên truyền, tập huấn công tác giữ gìn vệ sinh cho mọi người như khiến đôi chân ông càng thêm dẻo dai, mạnh khỏe. Được biết, trước khi tham gia công tác tại Hội, ít ai biết ông Đoàn Ngọc Khuê từng là giảng viên đại học ngành nông nghiệp, giám đốc công ty, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh… Đến nay, dù tham gia công tác Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh hơn 5 năm, nhưng với ông việc BVMT đã gắn bó từ hàng chục năm về trước. Lúc đang còn giữ chức Chủ tịch Hội Kinh tế vườn (Trung tâm Văn hóa tỉnh), ông Khuê đã có nhiều việc làm thiết thực như: kêu gọi các dự án hỗ trợ nước sạch cho bà con dân tộc thiểu số, hướng dẫn phương pháp chăn nuôi, phát triển kinh tế có hiệu quả để tránh tình trạng phá rừng ở các địa phương... Ông tâm sự: “Xã hội càng phát triển thì cuộc sống con người ngày càng đi lên, kéo theo đó là vấn đề ô nhiễm môi trường càng trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của con người. Do đó, làm thế nào để BVMT luôn khiến tôi trăn trở. Bây giờ mình còn sức khỏe thì còn tham gia công tác xã hội để môi trường sống luôn xanh-sạch-đẹp”.

Ông Đoàn Ngọc Khuê đang tìm hiểu việc ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột).
Ông Đoàn Ngọc Khuê đang tìm hiểu việc ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột).

Tham gia vào công tác tại Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh, với số tiền phụ cấp 300.000 đồng/ tháng không đủ tiền xăng xe đi lại, nhưng ông Đoàn Ngọc Khuê vẫn hăng say với công việc. Ngoài những buổi đi tổ chức tập huấn, tuyên truyền BVMT ở các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh, ông còn tham gia viết các dự án lớn như: dự án trữ nước hồ đập Kotam (xã Ea Ktur, TP. Buôn Ma Thuột), khôi phục mỏ lấy nước buôn Kroa B (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar), xây dựng làng sinh thái buôn Ea Na (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn)… Ông bày tỏ: “Hiện trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề gây bức xúc trong dân; để môi trường thực sự trong lành cần sự chung tay của cả cộng đồng, mà để làm được điều này thì mình phải hướng dẫn cách làm cho mọi người từ các cháu học sinh cho đến người dân ở các thôn, buôn”.

Người nông dân… trăn trở với môi trường
Đến xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar), hỏi ông Y Khuôl Êban ai cũng biết: họ nhắc đến ông với biệt hiệu: “triệu phú Y Khuôl giúp đỡ người nghèo” hay “Y Khuôl môi trường”. Với ông, việc tham gia vào công tác BVMT được bắt đầu khi vấn đề ô nhiễm môi trường tự nhiên trên địa bàn xã ngày càng nhức nhối; đó là từ khi một số đoạn đường luôn trong tình trạng ngập rác; nguồn nước mạch, nước ngầm dần cạn kiệt; nhiều cây cổ thụ bị chặt phá… Là một nông dân, nhưng ông Y khuôl luôn trăn trở trước thực trạng môi trường hiện nay. Ông bày tỏ: “Muốn mọi người ý thức giữ vệ sinh môi trường thì người làm công tác tuyên truyền phải gương mẫu thực hiện trước để mọi người làm theo, nghĩ là làm”. Với mấy con bò và lợn nuôi của gia đình, ông đã đầu tư xây dựng hầm bioga để tận dụng chất thải chăn nuôi làm chất đốt, điện thắp sáng. Thấy mô hình của ông có hiệu quả, nhiều người dân trong xã cũng đã làm theo; không những thế, ông còn đến từng gia đình hướng dẫn cách làm, cho các hộ khó khăn mượn tiền để làm hầm bioga, xây dựng nhà vệ sinh. Từ sự vận động, nhắc nhở của ông, môi trường ở buôn Kroa B (xã Cuôr Đăng) bây giờ đã được cải thiện đáng kể, đường làng ngõ xóm luôn sạch sẽ, không còn tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông, rác thải trong sinh hoạt và sản xuất được các hộ gia đình xử lý, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình ông Y Khuôn luôn tích cực tham gia các hoạt động BVMT.
Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình ông Y Khuôl luôn tích cực tham gia các hoạt động BVMT.

“Làm công tác BVMT tuy gặp nhiều khó khăn, mệt nhọc, nhưng khi nhìn môi trường ngày càng sạch thì mình cảm thấy vui vì đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội. Lúc đầu vì lo cho sức khỏe của tôi, nên mấy đứa con không đồng ý; sau này, thấy tôi làm nhiều việc hữu ích, được bà con chòm xóm quý mến, tín nhiệm, đứa nào cũng ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi làm tốt công việc của mình”, ông Y Khuôl chia sẻ. Với nguồn thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng từ 23 ha cao su và 1 ha cà phê, ông Y Khuôl không chỉ là người tạo việc làm cho hàng chục lao động nông nhàn tại địa phương, mà ông luôn tích cực tham gia các hoạt động BVMT. Những lần Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước, cây xanh ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ea Kar, Buôn Đôn, Lak… là khi ông dùng đến chiếc ô tô riêng của mình để phục vụ cho công việc chung của Hội. Nếu như ông Đoàn Ngọc Khuê thường dành 1 triệu đồng/ tháng từ lương hưu để tham gia hoạt động BVMT, thì ông Y Khuôl cũng “đầu tư” kinh phí để phục vụ cho công việc từ nguồn thu nhập kinh tế trang trại của gia đình, bởi với họ số tiền phụ cấp 300.000 đồng/ tháng không thể nào đủ tiền xăng xe đi lại làm việc.

Trao đổi về công việc BVMT của mình, 2 ông đều nói, những việc làm nhỏ nhặt của chúng tôi chỉ nhằm mục đích mong muốn đưa kiến thức, thông điệp gìn giữ vệ sinh môi trường để thay đổi hành vi, phong tục tập quán làm ảnh hưởng xấu đến môi trường; kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, giữ gìn vệ sinh để môi trường luôn xanh-sạch-đẹp.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc