Multimedia Đọc Báo in

Cần chủ động phòng chống các hiện tượng cực đoan của thời tiết trong thời kỳ cuối mùa khô năm 2011 - 2012

08:37, 19/03/2012

Giữa tháng 3, thời tiết Tây Nguyên đã có những dấu hiệu chuyển biến. Nắng nóng gia tăng, mưa trái mùa xuất hiện giúp giảm bớt mức độ khô hanh, cải thiện nguồn nước ở một số nơi nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy bắt đầu một thời kỳ có nhiều biến động của tình hình thời tiết địa phương với những tai biến cục bộ như nắng nóng, dông sét, lốc xoáy, mưa đá,.. có thể xuất hiện và gây hại.

Ở Tây Nguyên, thời kỳ cuối mùa khô hằng năm là thời gian nắng nóng gay gắt nhất, nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi có thể đạt từ trên 33-350C; vùng thung lũng 35-380C. Nắng nóng là một trong những dạng thời tiết có mức độ tác động khá mạnh, diện ảnh hưởng rộng, thời gian kéo dài và luôn gây ra nhiều trở ngại cho đời sống sinh hoạt, sức khỏe của con người. Nắng nóng ở Tây Nguyên cũng được coi là hiện tượng thời tiết nguy hiểm đối với sản xuất nông nghiệp và đã từng gây ra những thiệt hại đáng kể cho một số địa phương, nhất là ở những vùng thung lũng thấp. Những ngày có gió Tây khô nóng xuất hiện nhiều trong các tháng 3, tháng 4 và tháng 5 đem lại thời tiết nắng nóng và độ ẩm khá thấp. Kết quả là nhiệt độ lúc 13 giờ trưa có thể lên đến 350C, một số vùng thung lũng hẹp có thể lên trên 370C, độ ẩm thấp nhất ngày xuống dưới 50%, có nơi xuống dưới 20%. Các đợt gió Tây khô nóng xuất hiện sớm thường có tác hại nhất định tới cây trồng, nhất là lúa đông xuân cấy muộn đang trong thời kỳ làm đòng hoặc trổ bông nở hoa, phơi màu, gặp gió Tây khô nóng sẽ làm cho tỷ lệ hạt lép tăng lên, khiến năng suất, sản lượng giảm. Đối với vụ hè thu, các đợt gió Tây khô nóng vào đầu tháng 5 làm ảnh hưởng tới các ruộng mạ, lúa mới sạ, làm héo táp các loại cây trồng như bắp, lúa rẫy, đậu đỗ các loại. Năm nay, dự báo khả năng xảy ra nhiều đợt nắng nóng với mức độ gay gắt và thời gian kéo dài hơn so với năm 2011. Vậy nên các địa phương cần khuyến cáo nhân dân chủ động thực hiện các biện pháp hạn chế tác hại của nắng nóng.

Điểm đặc thù của thời tiết Tây Nguyên là càng nắng nóng thì càng dễ xuất hiện những trận mưa dông có kèm theo lốc tố, dông sét, có khi xuất hiện mưa đá. Trong thời kỳ cuối mùa khô ở Tây Nguyên, mưa dông thường xuất hiện nhiều vào thời gian buổi chiều hoặc chiều tối. Tác hại của dông chủ yếu là do có gió lớn, gió xoáy, có khi kèm theo mưa với cường độ lớn hoặc mưa đá. Tây Nguyên là khu vực tập trung nhiều diện tích cây cao su, một loại cây có sức chống chịu gió kém  nên gió lốc là một trong những nguyên nhân gây tổn thất lớn đối với cây cao su hằng năm. Gió lốc cũng làm sập đổ nhà cửa, công trình, có khi còn gây hại đến tính mạng con người. 

Cùng với gió lốc, mưa đá cũng thường xuất hiện trong các cơn dông. Mưa đá được xác định là giáng thủy ở thể cứng dưới dạng hòn, cục hay tinh thể băng rơi xuống mặt đệm (mặt đất, mặt nước, thảm thực vật,...) từ những khối mây tích vũ hay mây cốc vũ đồ sộ. Mưa đá thường chỉ xảy ra trong các cơn dông tố mạnh và đi kèm với mưa rào cường độ lớn trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Mưa đá rơi trong khí quyển với vận tốc rất lớn và tăng tỷ lệ với kích thước, trọng lượng của viên đá, dao động trong khoảng 30-60m/s, cá biệt có thể tới 90m/s. Mưa đá là hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Những trận mưa đá kéo dài từ vài phút trở lên có thể hủy hoại đáng kể cây trồng, làm mất mùa một phần hoặc toàn phần, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, nhà cửa, phương tiện giao thông, gây thương tích hoặc làm chết gia súc, gia cầm và có khi là cả con người; đặc biệt mưa đá có ảnh hưởng đến hoạt động của hàng không dân dụng, đe dọa an toàn các chuyến bay. Tây Nguyên là một trong những vùng có mưa đá xảy ra nhiều nhất ở nước ta. Mưa đá ở Tây Nguyên thường xuất hiện vào thời kỳ chuyển mùa và giữa mùa hạ, nhiều nhất là thời kỳ chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Ở Tây Nguyên, những vùng hay có mưa đá xuất hiện lại là những vùng canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế và dễ bị mưa đá làm hư hại như hoa, cây ăn trái, cà phê, tiêu, bông vải, rau màu…

Thời gian từ nay đến đầu mùa mưa năm 2012, thời tiết ở Tây Nguyên sẽ có nhiều biến động, là thời kỳ xảy ra nhiều mưa dông kèm theo sấm sét và gió lốc thổi mạnh, có khi có mưa đá. Đây là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, xuất hiện và gây hại nhanh, bất ngờ, rất khó dự báo chính xác về thời gian xuất hiện, vùng ảnh hưởng và mức độ gây hại. Do đó, các cấp, các ngành, chính quyền và nhân dân các địa phương cần chú ý đề phòng và chủ động các biện pháp hạn chế thiệt hại như chằng chống nhà cửa, tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi sử dụng vận hành máy móc thiết bị điện, điện tử dùng trong sản xuất và sinh hoạt; thực hiện các phương pháp thích hợp để bảo vệ cây trồng, bảo vệ mùa màng...

Nguyễn Văn Huy


Ý kiến bạn đọc