Multimedia Đọc Báo in

Cây xanh đường phố bị "bức tử", chuyện nhỏ mà không nhỏ

05:01, 09/03/2012

Mỗi năm, ngân sách Nhà nước đã phải bỏ ra một số tiền rất lớn để trồng cây xanh trên các tuyến phố. Thế nhưng, rất nhiều trong số đó đã bị xâm hại. Nhẹ thì bị chặt cành, cắt ngọn, nặng thì “bức tử” bằng nhiều kiểu khác nhau như dùng hóa chất, đốn hạ, di dời. Những cây xanh bị đốn hạ, tỉa cành, di dời hầu hết đều được trồng trước cổng hoặc hành lang mặt tiền của các nhà hàng, cửa hiệu.

Một cây bằng lăng trước Nhà hàng Lộc Đỉnh đã héo khô sau khi bị cưa ngang thân cây.

Gần đây nhất, vào ngày 20-2, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và Môi trường Dak Lak (Công ty Đô thị) đã phát hiện ông Nguyễn Thanh Hoàng, là chủ Nhà hàng Lộc Đỉnh (354-356 Hoàng Diệu, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) đã có hành vi cưa vào thân của 4 cây bằng lăng thuộc tuyến đường trên để cây chết dần. Các cây bằng lăng bị cưa có đường kính gốc từ 17-21 cm và được trồng từ năm 1996 đến nay. Theo thừa nhận của ông Hoàng, để thuận lợi hơn trong kinh doanh, trong quá trình cải tạo mặt bằng, ông đã thực hiện hành vi trên. Trước đó, vào khoảng tháng 9-2010, Công ty Đô thị cũng đã phát hiện Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Vinacafe Dak Lak đã di dời trái phép khiến hai cây xanh trước Trung tâm Thương mại dịch vụ của công ty này (trên đường Nguyễn Lương Bằng) bị chết. Đó chỉ là những vụ việc điển hình, đã được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Trên thực tế, hiện tượng “bức tử” cây xanh đã diễn ra trong thời gian dài, với những hình thức tinh vi mà Công ty Đô thị không thể phát hiện hết được. Bên cạnh cách chặt sâu vào thân, cưa đứt phần vỏ, tỉa cành… để cây chết dần thì nhiều cây xanh tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố còn bị hạ độc như đổ dầu nhớt, vôi sống, thậm chí chích cả hóa chất vào thân để cây nhanh chết. Theo ông Nguyễn Cảnh Tuấn (Phòng Kế hoạch - Vật tư – Kỹ thuật, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và Môi trường Dak Lak), mặc dù Công ty đã có nhiều biện pháp bảo vệ cây xanh nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn, Công ty vận động người dân trên các tuyến phố ký cam kết bảo vệ cây; đánh số hiệu cho cây để tiện trong quản lý. Bên cạnh lực lượng chăm sóc thường xuyên, Công ty còn có một đội truyền thông để tuyên truyền, kịp thời nắm bắt tình hình. Nhưng thực tế khi người dân đã cố tình “khai tử” một cây nào đó thì cũng rất khó phát hiện được. Do đó, khi “việc đã rồi”, cây cũng đã chết, công tác khắc phục cũng không được như ý muốn bởi có xử lý thì cũng chỉ là phạt hành chính, trong khi mục đích cuối cùng là giữ được cây xanh, tạo thêm không gian xanh cho thành phố.

Thực tế, phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm thì những cây con mới trở thành cây đại thụ. Thời gian ấy bằng cả đời người, thế nhưng vì lợi ích cá nhân mà một số đối tượng vẫn sẵn sàng vi phạm. Nếu như các cơ quan chức năng không kiên quyết và xử lý một cách nghiêm khắc thì hành vi “bức tử” cây xanh vẫn sẽ có đất để tái diễn. Việc UBND tỉnh có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột áp dụng những hình thức xử phạt cao nhất đối với chủ Nhà hàng Lộc Đỉnh có hành vi chặt phá 4 cây bằng lăng trong thời gian vừa qua (xử phạt hành chính với mức cao nhất; trồng mới  4 cây khác vào vị trí những cây đã bị cưa, chặt; rút giấy phép kinh doanh đối với Nhà hàng Lộc Đỉnh; đưa ra kiểm điểm trước dân...) là một bài học cho những ai đã, đang và sẽ có ý định “bức tử” cây xanh đường phố.

Giang Việt


Ý kiến bạn đọc