Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với môi trường
1. Ô nhiễm dầu làm tôm biến dạng
Tạp chí Earthjustic's Review của Mỹ số ra đầu tháng 5 cho biết, nạn tràn dầu của hãng BP tại vùng Vịnh đã để lại hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Nó làm cho tôm và động vật thân giáp bị biến dạng, tôm bị mù hoặc mắt lõm sâu vào trong, cá chỉ vàng chuyển sang màu hồng, kích thước thu lại hoặc cua bị biến dạng, xuất hiện những con cua hình hài rất lạ, có nhiều lỗ hoắm sâu trên mai, càng bị teo cụt hoặc không có miệng. Nhiều con chết thối làm cho nước biển phát mùi, thậm chí có những con tôm còn mang cả những con tôm con trên mình, hoặc không có mắt nhưng vẫn sống. Qua nghiên cứu, các chuyên gia môi trường của Mỹ phát hiện thấy, có ít nhất 13 trong số 57 hóa chất độc tồn tại trong nước biển ở khu vực này, đặc biệt là phốt-pho, quá trình gây biến dạng động vật đến nay khoa học vẫn chưa hiểu hết, nhưng nếu con người ăn phải sẽ gây nhiễm độc cho cơ thể.
2. Biến đổi khí hậu làm gia tăng bệnh về rừng
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa công bố báo cáo về môi trường cho biết, biến đổi khí hậu là thủ phạm gây ra nhiều căn bệnh nan y cho rừng, như bệnh phytophothora (làm cho cây sồi đột ngột), bệnh nấm thân cây, bệnh thối gốc, bệnh lùn cây, bệnh vàng lá, hoặc bệnh Armillaria ở nhóm cây gỗ cứng, cây có quả hình chóp do khô hanh và hạn hán. Cũng theo báo cáo trên thì bệnh tật tăng nhanh là do khí hậu thay đổi bất thường, khi thì quá nóng, lúc lại quá lạnh, quá ẩm, quá khô...làm cho dịch bệnh sinh sôi nảy nở nhanh và tấn công lại vật chủ.
3. Biến đổi khí hậu làm cho trên 900 loài chim biến mất vào năm 2100
Đó là cảnh báo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) công bố cuối tháng 4-2012. Theo nghiên cứu, trong thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ 3 sẽ có 30% loài chim sống trên đất liền bị tuyệt chủng (khoảng 900 loài) trong tổng số trên 8.400 loài chim hiện đang sống trên đất liền. Nghiên cứu trên của IPCC mang tên Millenium Ecosystem Assessmunt, trong đó đánh giá về hệ sinh thái của trái đất với sự tham dự của trên 1.350 chuyên gia đầu ngành trên toàn thế giới. Theo đó, vào cuối thế kỷ 21 (2100), nhiệt độ trái đất ấm lên khoảng 6,4oC làm cho 30% loài chim đất liền bị ảnh hưởng, và nếu nóng ở mức thấp hơn, 2,8oC thì số lượng chim biến mất cũng khoảng từ 400-500 loài, ngoài việc nhiệt độ tăng còn phải kể đến các yếu tố khác trong đó có bàn tay con người, nhất là nạn săn bắt bừa bãi và dùng thuốc trừ sâu, hóa học cũng là nguyên nhân làm cho chim tuyệt chủng rất nhanh.
4. Khí hậu nóng lên làm cho kích thước động vật có vú nhỏ lại
Các chuyên gia Viện Bảo tàng tự nhiên Florida, Mỹ (FMNH) vừa kết thúc nghiên cứu và phát hiện thấy biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng trái đất nóng lên là thủ phạm làm cho động vật có vú nhỏ lại. Ví dụ loài ngựa Morgan, cao tới 1,5 mét, nặng 450 kg hiện đang có chiều hướng nhỏ lại. Cũng theo nghiên cứu trên thì có khoảng 3/4 loài động vật có vú đang có chiều hướng thu nhỏ kích thước liên quan đến khí hậu theo quy luật Bergmann. Kết luận của FMNH được dựa vào nghiên cứu về các loài ngựa trong quá khứ lẫn hiện tại. Cách đây 56 triệu năm, khi trái đất ấm lên hay còn gọi là giai đoạn Thế cực đại Nhiệt cổ thủy tân, gọi tắt là giai đoạn PETM, khi đó Carbon diocid (CO2) tăng lên, nhiệt độ bình quân toàn cầu khoảng 5-10oC, hầu hết kích thước của loài ngựa bắt đầu nhỏ dần và đến nay sau hàng nghìn năm, hình thái khí hậu trên bắt đầu tái diễn. Ví dụ, loài ngựa có tên Sifrhippus Sandrae có mặt tại Bắc Mỹ và châu Âu cách đây khoảng 130.000 năm, kích thước của nó đã giảm tới 30% và ngay cả loài ngựa hiện đại Morgan cũng bé đi về kích thước, hiện tượng trên giúp cho chúng thích nghi nhanh với môi trường sống.
Khắc Nam
(Theo PS/FC – 5-2012)
Ý kiến bạn đọc