Multimedia Đọc Báo in

Chợ Ea Kiết (Cư M’gar): Nhức nhối tình trạng rác thải

08:32, 16/09/2012

Chợ Ea Kiết (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) đường đi lối lại chật hẹp nếu không nói là không có, chệ thống thoát nước, công trình vệ sinh cũng không . Nhiều cái “không” cộng với rác thải không được thu gom, tập kết, xử lý hợp lý gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây khiến người dân xung quanh khu vực phải cầm lòng sống chung, còn những người thi thoảng đặt chân đến đây rùng mình...

a
Rác nổi lềnh phềnh khi chợ không có hệ thống thoát nước

Giữa cơn mưa tầm tã, vợ chồng bà Lê Thị Cát (thôn 10, xã Ea Kiết) vất vả bốc từng đống rác sũng nước lên chiếc xe rùa. Đường trong chợ nhỏ hẹp hai người đi bộ tránh nhau đã chật, cộng với trời mưa trơn trượt khiến việc thu gom rác của họ càng vất vả. Gò lưng đẩy từng xe rùa chất đầy rác thải trong chợ ra bãi tập kết cách đó có vài mét mà bà Cát suýt té lên té xuống mấy lần. Nhiều người bảo mưa gió thế này ông bà nghỉ cho đỡ cực, bà Cát cười méo mó: “Nghỉ thì có mà ngày mai vào chợ phải đi trên rác”. Theo như lời ông bà Cát kể thì ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, sau những phiên họp chợ đông đúc vào buổi sáng, công việc thu gom rác của họ bắt đầu từ 13 giờ đến khoảng 16 giờ. Đã nói rác thì chẳng có khi nào sạch, trời nắng ruồi muỗi bu bám, trời mưa thì ướt át, khổ nhất là đường đi lối lại không có, trơn trượt, sức khỏe lại yếu dù đã phải dùng đến xe rùa để đẩy mà việc vận chuyển cũng cơ cực lắm.  

Vợ chồng bà Cát vất vả thu gom rác lên chiếc xe rùa
Vợ chồng bà Cát vất vả thu gom rác lên chiếc xe rùa

Chợ Ea Kiết ngoài khu nhà lồng với khoảng 30 gian hàng chủ yếu bán đồ tươi sống còn vài chục hộ tiểu thương khác dựng lều quán bán hàng khô, quần áo... xung quanh. Theo các tiểu thương ở đây cho biết, rác sau khi thu gom được tập kết, chất lại thành đống cách chợ có vài mét. Chính vì vậy cứ sau khi mưa, trời nắng lên, rác bốc mùi hôi thối, rất khó chịu. Biện pháp xử lý những đống rác lộ thiên này là cứ thấy đầy lại đốt, mỗi lần như vậy, khói um cả chợ. Điều đáng nói nữa là đường đi lối lại chật hẹp nếu không nói là không có, không có cả hệ thống thoát nước nên cứ trời mưa xuống nhìn chợ càng nhếch nhác, ô nhiễm. 

Không có hệ thống thoát nước, đường vào chợ Ea Kiết càng nhếch nhác nhất là khi trời mưa
Không có hệ thống thoát nước, đường vào chợ Ea Kiết nhìn càng thê thảm nhất là những ngày mưa

Ngán ngẩm trước tình trạng rác thải tại đây, không ít người chỉ cầm cự với công việc thu gom rác được vài ngày. Vợ chồng ông bà Cát, đến thời điểm này tuy thời gian mới được hơn 1 năm nhưng có thể nói là những người trụ lại lâu nhất với công việc vệ sinh môi trường tại đây. Bà Cát chia sẻ: Ruộng rẫy qúa ít, con cái chẳng có công ăn việc làm, ông bà đã có tuổi chẳng biết xin việc gì kiếm kế sinh nhai nên đành làm công việc thu gom rác tại chợ Ea Kiết với khoản thu nhập 1,4 triệu đồng/tháng. Không riêng gì ông bà Cát mà rất nhiều tiểu thương đều mong muốn Ban Quản lý chợ Ea Kiết tăng tiền công cho họ vì qủa thật công việc qúa vất vả, độc hại, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Bên cạnh đó cũng còn bởi một lý do khác là nếu không giữ chân ông bà Cát thì chẳng biết có ai nhận công việc này và tình trạng ô nhiễm rác thải ở đây sẽ còn tệ hại đến mức độ nào. 

Chẳng riêng người dân, mà cả tiểu thương ở chợ Ea Kiết khi nghe phong thanh một hợp tác xã trên địa bàn có dự định làm dịch vụ xử lý rác thải, ai cũng hào hứng, ngóng đợi  lắm.

Nhưng đó là chuyện của tương lai dù gần, những bất cập trong công tác xử lý rác thải ở đây chắc Ban Quản lý chợ Ea Kiết hơn ai hết là những người hiểu và nắm rõ nhất?

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.