Multimedia Đọc Báo in

“Ù tai, ngạt thở” vì cơ sở sản xuất hạt nhựa

08:02, 18/09/2012

Năm 2007, cơ sở sản xuất nhựa tái sinh của ông Nguyễn Sỹ Hùng được cấp phép hoạt động tại thôn Nghĩa Lập (xã Ea Kuăng, Krông Pak). Ban đầu, người dân nghĩ có nhà máy sẽ là cơ hội cho một bộ phận con em trong thôn vào làm công nhân, kiếm thêm thu nhập. Vậy nhưng, điều mong mỏi đó đã biến thành ác mộng, cuộc sống của hàng chục hộ dân bị đảo lộn bởi tiếng ồn và ô nhiễm.

Khi cơ sở này đi vào hoạt động không thể chịu nổi sự ô nhiễm, hàng chục hộ dân đã làm đơn gửi đến cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra xử lý bởi máy móc của cơ sở hoạt động liên tục, những giờ cao điểm mùi hôi khét của nhựa lan tỏa nồng nặc đến ngạt thở, tiếng ồn từ nhà máy phát ra  nghe đến đinh tai nhức óc.

Ngổn ngang bãi chứa rác thải của cơ sở sản xuất nhựa  tái sinh.
Ngổn ngang bãi chứa rác thải của cơ sở sản xuất nhựa tái sinh.

Bà Trần Thị Tính (66 tuổi) nhà cạnh cơ sở sản xuất phản ánh: ngoài tiếng ồn, điều bà lo nhất là nguồn nước sinh hoạt đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải của nhà máy thấm vào nước ngầm. Hơn một năm nay, nước giếng nhà bà chuyển sang màu đen, xuất hiện mùi hôi rất khó chịu, không thể uống được mà chỉ dùng để tắm giặt nhưng rất ngứa. Để có nước ăn uống, gia đình bà đã phải “bấm bụng” dùng nước lọc đóng bình. “Trung bình mỗi ngày cả gia đình tôi phải đổi đến 3 bình nước, tính ra hết 30 nghìn đồng. Nếu tình trạng ô nhiễm này cứ kéo dài, rồi đến lúc nhà tôi sẽ nghèo đi vì đổi nước”- bà Tính giãi bày. Chị Hồ Thị Bé (con dâu bà Tính) bụng bầu đã lùm lùm tỏ ra bức xúc: mới đây chị bị ói ra máu. Khi cùng chồng lên Bệnh viện tỉnh khám thì nhận được kết quả bị ngộ độc thai do hít phải khí độc; về nhà chị đã phải xin mẹ chồng cho chuyển về nhà mẹ đẻ cách đó 2km để ở nhờ. Còn chị Nguyễn Thị Phượng, nhà ở đối diện với cơ sở sản xuất nhựa phản ánh: nhà chị luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài” vì mùi khét, khói xộc vào nhà đến ngạt thở, lúc đi ngủ chị và các con cũng phải bịt khẩu trang suốt đêm, 2 con nhỏ của chị có triệu chứng bị viêm xoang do hít phải không khí ô nhiễm.

Theo khảo sát thực tế, cơ sở sản xuất nhựa tái sinh của ông Hùng  tọa lạc trên diện tích 2.600m2, trong khuôn viên bao bì nhựa nguyên liệu được chất đống cao như núi. Cơ sở này có 1 máy giặt, 1 máy băm, 1 máy nấu nhựa và có khoảng 20 công nhân làm việc liên tục ngày đêm; mỗi ngày sản xuất khoảng 1 tấn hạt nhựa nguyên liệu. Ông Nguyễn Tình Thương, người được ủy quyền quản lý cơ sở cho biết: theo quy trình, bao bì phế liệu thu mua về sẽ được cho vào bể giặt sạch, nước thải sau đó được chảy trực tiếp xuống 3 bề lắng lộ thiên cạnh nhà máy. Bao bì sau khi được cho vào máy băm nhỏ rồi chuyển vào nồi nấu nhựa, nhựa nấu chảy sẽ qua một máy đùn và cắt thành hạt nhựa nguyên liệu. Để sản xuất được 1 tấn hạt nhựa thì phải chế biến hết 2 tấn nguyên liệu. Chính việc nước giặt bao bì được xả trực tiếp ra bể lắng không qua xử lý đã ngấm xuống đất, chảy ra đồng ruộng thấm vào mạch nước ngầm. Và quy trình băm, đốt nguyên liệu đã gây nên tiếng ồn và mùi khét khó chịu.

Ông Lương Phước Triệu - Trưởng thôn Nghĩa Lập cho biết, từ khi nhà máy nhựa này hoạt động, đời sống của gần 30 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quá bức xúc, bà con trong thôn đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý, nhưng đến nay mọi việc vẫn không có gì tiến triển (!). Về phía cơ quan chức năng, ông Trần Hữu Thái - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pak cho biết: trước phản ánh của người dân, mới đây UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra cơ sở này. Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với cơ sở do vi phạm cam kết bảo vệ môi trường, hoạt động sau 22 giờ đêm. Ống khói của cơ sở chỉ cao 5m, thấp hơn quy định 7m; có 3 bể lắng lọc nhưng không giúp việc xử lý triệt để. Về vấn đề xác định nguồn nước và không khí có bị ô nhiễm hay không thì phòng không thể kết luận được vì không có phương tiện đo đếm. Cũng theo ông Thái, thời gian tới phòng sẽ đề nghị Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh và Cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra, nếu cơ sở có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

 L.V


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.