Multimedia Đọc Báo in

Rừng thành... nương rẫy

09:43, 05/10/2012

Bên cạnh việc khai thác vận chuyển lâm sản trái phép, tình trạng khai hoang, xâm canh cũng là vấn đề nhức nhối khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Krông Bông gặp nhiều khó khăn.

Núi Chư Pan và Chư Sray trước đây ấn tượng với vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng già. Tiểu khu 1117 và 1123 thuộc địa bàn xã Yang Mao do Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Krông Bông quản lý, khi chưa xây dựng Công trình thủy điện Ea Kha, công tác bảo vệ rừng không qúa khó khăn do địa hình dốc, người dân không thể mở đường lên núi cao. Nhưng từ ngày có đường lên thủy điện, diện tích rừng bị biến thành nương rẫy đã tăng rõ. 

 Dọc theo con đường lên đập Công trình thủy điện Ea Kha dài 7 km, cây rừng đã nhường chỗ cho những nương rẫy hoa màu bắt đầu hiện hình. 

 Thậm chí có cả những gia đình như Y BHem Êban ở buôn M’Ghía, xã Yang Mao đã đưa cả vợ con lên dựng lều ngay cạnh hồ chứa Công trình thủy điện Ea Kha và khai hoang được hơn 1 ha đất trồng mì và bắp.

Tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy ở xã Cư Pui cũng đã nhức nhối từ năm 2000 đến nay và theo Phó Chủ tịch UBND xã Y Lin Niê thì chưa thống kê chính xác được con số cụ thể. Ông Y Lin cũng thừa nhận rằng nguyên nhân là do công tác quản lý của địa phương chưa chặt chẽ, xã không có đội quản lý bảo vệ rừng, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ. 

Còn phía dưới chân núi Chư Yang Reh, hàng trăm héc-ta rừng thuộc địa bàn các xã Ea Trul, Yang Reh (huyện Krông Bông) và Yang Tao (huyện Lak) cũng đã bị chặt phá thay vào đó là những rẫy bắp, lúa và mì. Năm 2006, thực hiện Chương trình 178 của Chính phủ về giao khoán rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng, 240 ha rừng tại tiểu khu 1184 được giao cho 200 hộ dân ở buôn Plung và buôn Bang Kung (xã Ea Trul) quản lý, bảo vệ. Nhưng sau đó, hầu hết diện tích rừng đã giao khoán bị chặt phá để trồng hoa màu. 

Tình trạng này khiến Vườn Quốc gia Chư Yang Sin lo lắng bởi nguy cơ ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng vùng lõi của Vườn. Năm 2009, từ nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng sản xuất của tỉnh, Vườn vận động người dân chuyển từ trồng hoa màu sang trồng rừng nhưng cũng chỉ được một số ít diện tích.

 

Có một điều đáng chú ý là hầu hết những diện tích rừng bị biến thành nương rẫy ở các địa bàn trên đây đều là những khu vực được đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tự chảy. Hệ lụy theo đó là chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng đất đai xói mòn khi rừng bị tàn phá cộng với việc người dân sử dụng thuốc trừ cỏ để khai hoang, trồng hoa màu. Nơi đầu nguồn con suối Dak Tua có một công trình cấp nước tự chảy cung cấp cho bà con dân tộc thiểu số các buôn thuộc xã Cư Pui. Nhưng hiện nay, mất rừng, con suối rộng ngày nào giờ chỉ còn dòng nhỏ. Nguy cơ thiếu nước sạch để cung cấp cho người dân ở đây chỉ còn là vấn đề thời gian.

Còn tại khu vực núi Chư Yang Reh, có con suối chảy từ đỉnh về gần chân núi, năm 2007 từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hơn 1 tỷ đồng, huyện Krông Bông đã đầu tư xây dựng công trình cấp nước tự chảy để cung cấp nước cho gần 170 hộ dân của buôn Yang Reh và thôn 2 (xã Yang Reh). Tuy nhiên do diện tích rừng ở khu vực gần suối bị tàn phá để trồng hoa màu, hệ lụy theo đó đất đai thì xói mòn, một dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không nhỏ do người dân sử dụng làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nước.

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc