Multimedia Đọc Báo in

Thêm một biện pháp giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh

08:32, 30/10/2012

Kết thúc một tuần phát động Hội thi vẽ tranh về môi trường, 15 bức tranh tiêu biểu đã được chọn trưng bày và trao thưởng. Dù chỉ trình bày trên một tờ giấy A4, nhưng các em học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hanh (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) đã mang đến cho người xem thông điệp về ước mơ và hiện thực môi trường sống xung quanh mình.

Hưởng ứng chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" năm 2012, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh phối hợp với Trường Tiểu học Hoàng Hanh tổ chức Hội thi vẽ tranh về môi trường với chủ đề "Hãy làm cho thế giới sạch hơn". Hơn 400 em học sinh đã mang đến Hội thi những bức tranh sinh động với nhiều gam màu và nội dung gần gũi, thiết thực trong đời sống hằng ngày như: trồng, chăm sóc cây xanh; quét, nhặt rác; vệ sinh nhà cửa, trường học... Có thể nói, đây là một hoạt động rất ý nghĩa nhằm tuyên truyền cho các em học sinh nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của các thế hệ trong việc giữ gìn, xây dựng quê hương xanh – sạch – đẹp. Cô Đặng Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Hanh chia sẻ: "Hội thi vẽ tranh về môi trường là cơ hội tốt để học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, qua đó có những việc làm cụ thể góp phần nhỏ bé của mình vào công tác này. Bên cạnh đó, hoạt động nhằm tạo tiền đề cho các em ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường khi lớn lên".

Những bức tranh đoạt giải thu hút sự quan tâm  của các bạn học sinh.
Những bức tranh đoạt giải thu hút sự quan tâm của các bạn học sinh.

Với học sinh, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường ngay từ bậc tiểu học sẽ góp phần xây dựng một lối sống đẹp, đặc biệt là tạo thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, vun đắp tình yêu thiên nhiên cho các em. Nội dung các bức tranh chủ yếu xoay quanh những việc làm để bảo vệ môi trường mà mỗi em đã từng gặp trong cuộc sống như bức tranh vẽ hình ảnh sân trường rợp bóng cây xanh, xung quanh là các bạn học sinh đang trồng cây, tưới nước, quét rác của em H'Sino (lớp 4B); là bức vẽ người lao công quét rác trên đường của em Nguyễn Hoàng Long (lớp 5B); hay bức vẽ cả gia đình đang làm vệ sinh nhà cửa, sân vườn của em Mai Diệp H'mok (lớp 4A)... Em Nguyễn Hoàng Long hào hứng nói: “tham gia cuộc thi này em biết mình cần phải bỏ rác vào thùng, không được vứt bừa bãi để môi trường không bị ô nhiễm, mọi người được sống khỏe mạnh trong không khí trong lành”. Với em Vũ Nguyễn Kim An, ước mơ một bầu không khí trong lành, nhiều cây xanh để trẻ em được vui chơi, học hành là nội dung thể hiện trong bức vẽ. An tâm sự: “trước đây em thường có thói quen vứt rác bừa bãi, nhưng sau khi tham gia Hội thi vẽ tranh về môi trường em đã biết bỏ rác đúng nơi quy định và vận động các bạn khác cùng tham gia giữ sạch môi trường”. Có thể thấy, thông qua hoạt động vẽ tranh, hầu hết các em đều nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ  môi trường. Ông Đoàn Ngọc Khuê, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh cho biết: “cuộc thi nhằm động viên, khuyến khích các em học sinh tham gia bảo vệ môi trường, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục ý thức vệ sinh môi trường trong tầng lớp trẻ. Thông qua các bức vẽ đã phần nào phản ánh được nhận thức và suy nghĩ của các em đối với công tác môi trường hiện nay. Đây cũng là hoạt động thiết thực mà trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức ở một số trường học và địa phương khác”.

Giáo dục cho một em bé biết bỏ rác vào thùng ngay từ khi còn nhỏ sẽ hình thành một thói quen sạch, ngăn nắp nếu như các bậc cha mẹ, thầy cô giáo thường xuyên nhắc nhở và làm gương cho con em mình noi theo. Qua đó, mỗi em khi lớn lên sẽ là một nhân tố tích cực trong công cuộc bảo vệ môi trường hiện nay.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.