Mỗi ngày phát sinh khoảng 47 tấn chất thải rắn y tế nguy hại
Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, cả nước hiện có 13.640 cơ sở y tế các loại, với tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 450 tấn/ngày; trong đó có khoảng 47 tấn là chất thải rắn y tế nguy hại.
Theo ước tính của các chuyên gia môi trường, đến năm 2015 lượng chất thải rắn y tế thải ra môi trường là 600 tấn/ngày. Lượng chất thải lỏng phát sinh tại các cơ sở y tế có giường bệnh hiện nay khoảng trên 125.000m3/ngày đêm. Trong khi tỷ lệ bệnh viện thực hiện phân loại chất thải rắn y tế chiếm 95,6% nhưng chỉ có 50% các bệnh viện phân loại, thu gom chất thải rắn y tế đạt yêu cầu theo Quy chế quản lý chất thải y tế. Hiện chất thải y tế ở Việt Nam được xử lý bằng hai phương án là đốt và chôn lấp. Trong đó vẫn còn 30,8% bệnh viện xử lý chất thải y tế bằng lò đốt 1 buồng, thiêu đốt thủ công hoặc tự chôn lấp trong khuôn viên của bệnh viện. Tỷ lệ bệnh viện chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế chiếm 45,6%.
Bệnh viện Đa khoa 333 (huyện Ea Kar, Dak Lak) tự chôn lấp chất thải rắn y tế ngay trong khuôn viên bệnh viện. Ảnh minh họa |
Các chuyên gia môi trường cho rằng nguyên nhân chính gây trở ngại cho công tác quản lý môi trường ở các cơ sở y tế bao gồm: nhận thức của nhân viên y tế và cộng đồng về quản lý chất thải y tế còn hạn chế; kiến thức về quản lý chất thải còn yếu; định hướng công nghệ chưa rõ ràng; chưa có sự đầu tư đúng mức cũng như các cơ chế về tài chính chưa hợp lý để tạo điều kiện làm tốt công việc xử lý chất thải y tế và công tác kiểm tra, giám sát chưa được chú trọng. Để khắc phục các tồn tại nêu trên, thời gian tới ngành y tế cần tập trung hoàn thiện tổ chức, cơ chế, chính sách và văn bản qui phạm pháp luật về quản lý chất thải y tế; ưu tiên tập trung nguồn lực xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực quan trắc, đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động sức khoẻ; tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và nhân viên y tế về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác quản lý chất thải y tế. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp chính quyền, ban, ngành, các cơ sở y tế và người dân trong việc xử lý chất thải y tế.
K.O (nguồn website ĐCSVN)
Ý kiến bạn đọc