Vườn Quốc gia Yok Đôn: Hết “nạc”, lâm tặc... “vạc” cả gỗ non
Khi những cây gỗ quý, cổ thụ như cẩm lai, cà te, giáng hương bị khai thác cạn kiệt, lâm tặc bắt đầu quay sang khai thác “tận thu” các cây gỗ nhỏ, miễn là có thể bán được…
Những cây gỗ nhỏ bị lâm tặc “tận thu” lấy đi phần thẳng nhất. |
Sau một thời gian ngắn tạm lắng, bước vào đầu năm 2013, tình trạng phá rừng tại VQG Yok Đôn đã lại nóng lên - đó là việc lâm tặc chặt hạ một loạt cây gỗ quý tại các tiểu khu 441, thuộc địa bàn quản lý của Trạm kiểm lâm số 11 và tiểu khu 521, thuộc địa bàn quản lý của Trạm kiểm lâm số 1. Một thực tế là trước đây, lâm tặc vào VQG Yok Đôn là để cưa trộm gỗ quý, cổ thụ có giá trị cao như cẩm lai, cà te, giáng hương… nhưng nay, những loại gỗ này gần như không còn, hoặc còn lại rất ít, muốn khai thác phải mạo hiểm đi sâu vào vùng lõi, đồng nghĩa với việc dễ bị phát hiện, hoặc khó vận chuyển ra ngoài hơn. Do đó, lâm lâm tặc chuyển hướng qua khai thác các cây gỗ có đường kính nhỏ, giá trị kinh tế thấp hơn như căm xe, chiêu liêu, cà chít…
Gỗ được xẻ phách ngay tại rừng rồi vận chuyển ra ngoài bỏ lại bìa, cành ngổn ngang. |
Dù không ít lần lội rừng VQG Yok Đôn, nhưng lần nào chúng tôi cũng phải nhờ người dân ở đây dẫn đường, bởi trong rừng chằng chịt đường tuần tra rừng, đường lâm tặc tự mở để khai thác và vận chuyển gỗ lậu, nếu không cẩn thận rất dễ lạc đường. Chuyến lội rừng đầu tháng 1, chúng tôi vào tiểu khu 448 (thuộc địa phận quản lý của Trạm kiểm lâm số 12), nằm sát tỉnh lộ 1 mà theo như người dẫn đường khẳng định, rừng ở đây đang bị tận diệt. Sau gần một giờ đồng hồ len lỏi, quan sát trong vòng bán kính hơn 1km, chúng tôi nhận thấy hầu hết các khoảnh rừng tại đây không còn bóng dáng các loại gỗ quý như trắc, cẩm lai, cẩm chỉ, cà te, giáng hương…. Mà thay vào đó là ngổn ngang những gốc căm xe, chiêu liêu, cà chít…, đường kính từ 30 – 60 cm mới bị lâm tặc đốn hạ, ung dung xẻ hộp ngay trong rừng rồi mới mang đi. Tại nhiều điểm, lâm tặc đốn hạ cả những cây gỗ hương còn non, đường kính gốc chừng 20cm cắt lấy phần thân thẳng nhất, bỏ lại cành ngọn ngổn ngang. Hầu hết các gốc cây đều có bút lục của lực lượng kiểm lâm ghi ngày phát hiện đầu tháng 1-2013 hoặc cuối tháng 12-2012, trong đó nhiều gốc mới bị đốn hạ, nhựa vẫn đang ứa ra đỏ au, cành lá mới bị héo. Nhìn bút lục nguệch ngoạc ghi trên một gốc cây, người dẫn đường cười cho biết: lâm tặc bây giờ cũng tinh ranh và nhiều chiêu lắm, vào rừng bọn chúng thủ sẵn bút sơn, sau khi đốn cây, xẻ hộp mang đi, chúng còn bắt chước kiểm lâm ghi ngày phát hiện vào gốc cây, thậm chí còn lấy nhớt thải đổ lên vết cưa, để gốc cây đó giống như bị đốn hạ từ lâu nhằm đánh lừa kiểm lâm. Dù mới theo một lối mòn ngẫu nhiên tại tiểu khu 448, nhưng trước những gì chứng kiến, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, bởi nếu có sức đi hết 120 tiểu khu của VQG Yok Đôn, thì không biết sẽ còn chứng kiến bao nhiêu cây gỗ bị đốn hạ nữa.
Có thể nói, VQG Yok Đôn hiện tại có lực lượng kiểm lâm hùng hậu gồm 221 người, các trạm kiểm lâm rải khắp vườn và nằm ngay trong rừng, lực lượng kiểm lâm cơ động, kiểm lâm liên ngành túc trực 24/24 giờ trong ngày trên tuyến tỉnh lộ 1 và trên đường sông Sêrêpôk, vậy mà lâm tặc vẫn ngang nhiên vào rừng đốn hạ gỗ quý, rọc thành phách vận chuyển ra khỏi rừng như chốn không người. Ngay cả những cánh rừng nằm trong khu vực vành đai biên giới, được các lực lượng phối hợp bảo vệ hết sức nghiêm ngặt cũng bị lâm tặc tấn công. Mới đây, sau một số vụ để mất rừng được báo chí phản ánh, đã có cán bộ, kiểm lâm Vườn bị xử lý kỷ luật, thuyên chuyển, kể cả bị đuổi khỏi ngành. Nhưng kỳ lạ ở chỗ, tình trạng phá rừng tại đây dường như không hề giảm mà vẫn tiếp tục nóng lên. Nhiều người đặt nghi ngờ về hiệu quả của công tác bảo vệ rừng nơi đây, và cứ với đà phá rừng kiểu “tận thu” của lâm tặc như trên, nếu không có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu, e rằng VQG Yok Đôn sẽ trở thành “khu rừng rỗng ruột” là điều khó tránh khỏi.
Lệ Văn
Ý kiến bạn đọc