Xây dựng nông thôn mới: Nan giải thực hiện tiêu chí môi trường
Trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh ta, việc thực hiện tiêu chí môi trường (tiêu chí 17) là một vấn đề nan giải. Tính đến thời điểm này vẫn chưa có địa phương nào đạt được tiêu chí trên.
Bảo vệ môi trường là một trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới với mục tiêu chung là: Bảo vệ môi trường, sinh thái, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn. Tính đến cuối năm 2011, tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 72,53% (tiêu chí đặt ra là trên 74%); tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh 44,4% và số hộ dân nông thôn chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh chiếm 37,7% (tiêu chí là 70%). Mặc dù đạt tỷ lệ thấp nhưng chỉ tiêu về nước sạch vẫn được xác định là dễ thực hiện hơn so với nhiều chỉ tiêu khác trong tiêu chí bảo vệ môi trường. 2 chỉ tiêu khó nhất là cơ sở sản xuất kinh doanh đạt các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý chất thải (gồm chủ yếu là nước thải, rác thải) bảo đảm theo quy định.
Chỉ tiêu về thu gom, xử lý chất thải bảo đảm qui định là chỉ tiêu khó thực hiện trong tiêu chí môi trường. Trong ảnh: Bãi rác tập trung ở huyện Cư M’gar gây ô nhiễm môi trường. |
Xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những địa phương thực hiện khá tốt công tác bảo vệ môi trường. Qua khảo sát khi triển khai các bước thực hiện quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới, xã đã đạt 8/19 tiêu chí. Để đạt tiêu chí môi trường, chính quyền xã quan tâm đầu tư cải tạo, tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động công tác vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy một số chỉ tiêu khó đạt được ngay như: Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường, tỷ lệ hộ dân có chuồng trại gia súc hợp vệ sinh, chất thải được thu gom và xử lý theo quy định. Theo ông Nguyễn Hữu Vượng, Chủ tịch UBND xã Ea Tu, xã chỉ mới đạt chỉ tiêu về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn. Riêng chỉ tiêu về chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định thì rất khó thực hiện vì hiện nay chỉ một phần nhỏ nước thải từ nhà vệ sinh và hoạt động sản xuất chăn nuôi được thu gom và xử lý sơ bộ, còn lại hầu hết đều đổ trực tiếp ra môi trường, ngấm vào đất hoặc chảy vào ao, hồ, sông... vừa gây mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Người dân tổ dân phố 9, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột vẫn đang phải dùng nguồn nước không hợp vệ sinh. |
Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành tiêu chí bảo vệ môi trường trong năm 2013, xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) đang từng bước đạt các chỉ tiêu trên 90% hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; 100% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt chuẩn; xã cũng quan tâm đầu tư để đạt chỉ tiêu về tỷ lệ số cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường và chỉ tiêu chất thải, nước thải trong khu dân cư, chợ, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom và xử lý theo quy định, người dân phải trả chi phí xử lý thu gom rác thải. Cụ thể, toàn xã đã có trên 70% số hộ dân ký kết thu gom rác thải với công ty môi trường và đóng lệ phí đầy đủ; 24/24 trang trại chăn nuôi chuyển vào khu quy hoạch. Hiện tại, chính quyền địa phương đã xây dựng xong khu quy hoạch và đang vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp chuyển vào nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường về khói bụi, tiếng ồn... Để đạt được những kết quả này, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp, đối tượng trong cộng đồng dân cư. Ông Văn Hữu Hàn, Phó Chủ tịch HĐND xã Hòa Thuận cho biết: "Xác định tiêu chí môi trường là khó thực hiện nên ngay từ những ngày đầu triển khai xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã chú trọng tuyên truyền, vận động để bà con hiểu và cùng tham gia, bởi một khi nhận thức, thói quen, tập quán của người dân thay đổi thì công tác bảo vệ môi trường sẽ có hiệu quả. Với một số chỉ tiêu đã đạt được, địa phương chúng tôi phấn đấu hoàn thành tiêu chí môi trường trong năm 2013".
Theo mục tiêu chung của tỉnh, đến năm 2015 có trên 20% số xã đạt 19/19 tiêu chí về nông thôn mới, đồng nghĩa với việc sẽ có 30/152 xã đạt tiêu chí về môi trường. Để đạt được tiêu chí này đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp về nước sạch, chăn nuôi, xử lý chất thải... Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong mọi tầng lớp dân cư.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc