Multimedia Đọc Báo in

Tận dụng nguồn nước, bảo đảm nước sạch trong sinh hoạt

07:20, 15/05/2013

Trên địa bàn tỉnh, phần lớn người dân sử dụng nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan, máng tự chảy… Theo kết quả kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống năm 2012 của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong tổng số 39 trạm cấp nước tập trung có 14 trạm đạt tiêu chuẩn (chiếm 35,9%); 231.337 giếng đào được kiểm tra có 170.792 giếng đạt tiêu chuẩn vệ sinh chung (chiếm 73,8%); kiểm tra 4.651 bể nước mưa có 3.691 bể đạt tiêu chuẩn vệ sinh chung (chiếm 79,4%); 614 máng lần, tự chảy, trong đó có 515 máng đạt tiêu chuẩn vệ sinh chung (chiếm 79,4%). Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 100 trạm cấp nước sạch tập trung được xây dựng theo Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Để tận dụng nguồn nước tự nhiên, tránh lãng phí nước, có nguồn nước sạch bảo đảm hợp vệ sinh, cần chú ý đến việc xây dựng hệ thống giếng và sử dụng các nguồn nước. Theo hướng dẫn sử dụng nguồn nước sạch của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cần áp dụng các biện pháp sau:

1. Đối với nước mưa: Trước mùa mưa cần rửa sạch máng, dụng cụ chứa nước; trong vòng 10-15 phút đầu của trận mưa chúng ta không lấy nước; dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy; nên lắp vòi hoặc dùng gầu sạch để lấy nước.

2. Đối với giếng khơi: Nên đào giếng cách xa nhà, chuồng nuôi gia súc, gia cầm, nhà vệ sinh, hố rác ít nhất 10m; thành giếng xây cao 0,8m; giếng phải có nắp đậy; sân giếng dốc về phía rãnh thoát nước; rãnh thoát nước phải có độ dốc để tránh nước đọng gây mất vệ sinh và  sinh ra ruồi muỗi, giun sán; nên lát nền sân giếng bằng gạch hoặc xi măng; có cọc hay giá để treo dụng cụ múc nước.

3. Đối với giếng khoan: Lấy nước từ các mạch nước ngầm sâu 20m trở lên; nên khoan giếng xa nhà vệ sinh, hố rác, chuồng nuôi gia súc…; xây sân giếng và rãnh thoát nước để tránh ô nhiễm nguồn nước; nên có hàng rào, bể chứa nước để sử dụng nước thuận lợi, tiết kiệm.

4. Máng nước lần (tự chảy): Nguồn nước được lấy từ khe núi đá, mạch lộ thiên dẫn về thôn buôn, nhà dân bằng máng nước (máng nước có thể bằng thân cây tre, nứa, cau, ống nhựa…); máng dẫn nước phải kín để tránh lá cây, bụi bẩn, phân súc vật rơi vào làm ô nhiễm nguồn nước; nên xây một bể lọc nước từ đầu nguồn rồi đặt hệ thống ống dẫn vào thôn buôn.

Để bảo vệ nguồn nước, không xả rác, xác súc vật, chất thải của người và gia súc vào nguồn nước; không làm nhà vệ sinh trên sông, kênh, rạch, ao, hồ...; không đục phá ống nước; xây dựng nhà vệ sinh có hầm tự hoại đúng kỹ thuật (để phân không thấm xuống đất); sử dụng đúng cách, đúng liều lượng thuốc trừ sâu và phân bón; xử lý nước thải chăn nuôi trước khi thải vào nguồn nước; giữ vệ sinh sạch sẽ xung quanh nguồn nước; tiết kiệm khi sử dụng nước.

Để giữ gìn sức khỏe của bản thân và mọi người xung quanh, mỗi người cần có thói quen sử dụng nguồn nước sạch, có ý thức giữ gìn, bảo vệ và sử dụng nguồn nước tiết kiệm.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.