Chất thải y tế: Thách thức trong công tác bảo vệ môi trường
Kỳ I: Thực trạng về ô nhiễm môi trường ở các bệnh viện
Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân cũng ngày càng tăng cao. Theo đó cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh tăng lên và hệ quả tất yếu về chất thải y tế, đặc biệt là chất thải nguy hại ảnh hưởng đến môi trường, sự sống cũng không ít.
Nước thải từ các khoa cận lâm sàng ở Bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên được thu gom về hầm rút và tự ngấm ra môi trường. |
Trong một đợt kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, theo ghi nhận của chúng tôi việc xử lý chất thải và quy trình bảo vệ môi trường ở hầu hết các bệnh viện còn nhiều bất cập, nhất là việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại. Mặc dù các bệnh viện đã đầu tư trang thiết bị, dụng cụ phục vụ thu gom, phân loại chất thải rắn y tế, thậm chí một số đơn vị đã đầu tư hệ thống vận hành xử lý nước thải, chất thải rắn y tế nguy hại; hợp đồng với các đơn vị thu gom rác thải vận chuyển xử lý chất thải sinh hoạt... Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện vẫn chưa thực hiện đầy đủ các quy trình, thủ tục về bảo vệ môi trường như: Không thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ theo quy định; chuyển giao chất thải nguy hại cho đơn vị không có giấy phép hành nghề quản lý; chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; chưa lập kế hoạch về tiến độ, kinh phí thực hiện biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để theo Quyết định số 1415/QĐ-UBND ngày 9-6-2011 của UBND tỉnh... Tại Bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên, nước thải phát sinh khoảng 10 m3/ngày, nước thải từ phòng X-Quang và phòng xét nghiệm khoảng 7,5 lít/3 tháng. Trong đó, nước thải y tế và nước thải sinh hoạt tại các khoa phòng được thu gom và đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung của bệnh viện với công suất 30 m3/ngày đêm (gồm các bể: bể kỵ khí 1, bể kỵ khí 2, bể sinh học, bể lắng, bể khử trùng, giếng thấm). Ngoài ra, nước thải sinh hoạt tại khu vực cận lâm sàng được thu gom về các hầm rút, tự ngấm ra môi trường. Về việc quản lý và xử lý chất thải rắn nguy hại, phát sinh 8 kg/ngày được thu gom, tập trung về nhà chứa rác thải và hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar xử lý trong khi đó bệnh viện này lại chưa có Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại theo quy định. Ngoài ra, bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên không giám sát đầy đủ các thông số ô nhiễm đối với nước thải như: dầu mỡ động thực vật, tổng hoạt động phóng xạ, salmonella...
Hệ thống lò đốt rác của Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột đã xuống cấp. |
Với Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh, mặc dù mới được đưa vào hoạt động từ năm 2008 với tổng diện tích hơn 12.000 m2, quy mô 100 giường bệnh nhưng đơn vị vẫn chưa thực hiện đầy đủ công tác bảo vệ môi trường. Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm, bệnh viện đón trên 5.000 lượt người đến khám và điều trị, do đó lượng rác thải phát sinh từ hoạt động khám chữa bệnh cũng lên đến hơn 40 kg/ngày đêm và nước thải khoảng 35m3/ngày đêm (trong đó, chất thải rắn nguy hại từ 5-7 kg/ngày, nước thải 5lít/tháng). Tại đơn vị này, nước thải sau khi được xử lý qua hệ thống xử lý nước thải bằng vi sinh hiếu khí cùng với hóa chất khử khuẩn (công suất 50m3/ngày đêm) đều được chuyển vào hệ thống thu gom nước mưa rồi xả thải ra nguồn nước suối gần đó. Điều đáng nói là từ nhiều năm nay, bệnh viện không thực hiện việc giám sát chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường. Bên cạnh đó, chất thải rắn y tế nguy hại sau khi xử lý bằng lò đốt đều được thu gom chung với chất thải rắn thông thường rồi chuyển ra bãi rác của thành phố. Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh dù đã được đầu tư hệ thống xử lý chất thải tiên tiến, hiện đại lên đến hàng tỷ đồng như hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt với công suất 500 m3/ngày đêm theo công nghệ AAO của Nhật Bản và hệ thống xử lý chất thải rắn nguy hại với công nghệ hấp tiệt trùng bằng hơi nước ở nhiệt độ cao (từ 130 – 150oC), công suất khoảng 100 – 150 kg/mẻ, thời gian 90 phút/mẻ... Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường ở bệnh viện này vẫn chưa bảo đảm, tuân thủ các quy định và phát huy có hiệu quả. Cụ thể: Đưa công trình, biện pháp bảo vệ môi trường vào vận hành (hệ thống xử lý nước thải, chất thải) nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận; hệ thống xử lý nước thải vận hành chưa bảo đảm QCVN 28:2010/BTNMT (Hàm lượng Amoni của nước thải sau hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa ổn định, vượt 2-4 lần so với QCVN); nước xả thải ra môi trường vượt quá lưu lượng xả lớn nhất theo giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; phương án xử lý chất thải y tế nguy hại bằng phương pháp hấp tiệt trùng và bùn thải của hệ thống xử lý nước thải chưa được phân định, phân loại về ngưỡng nguy hại để quản lý theo quy định...
Có thể nói, hiện nay hầu hết các bệnh viện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đều vi phạm các tiêu chí bảo vệ môi trường trong việc xử lý chất thải y tế và chưa có bệnh viện nào được chứng nhận cơ sở đã hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg. Điều đáng nói nữa là toàn tỉnh hiện chưa có nhà máy xử lý rác thải y tế tập trung và cũng chưa có đơn vị nào chuyên nghiệp trong việc thu gom, xử lý rác thải y tế. Do đó, chất thải y tế mỗi bệnh viện tự tìm cách xử lý riêng cho mình. Tình trạng này đồng nghĩa với việc làm tăng thêm ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
(Còn nữa)
Thúy Hồng
Kỳ II: Mối nguy hại từ chất thải y tế
Ý kiến bạn đọc