Chất thải y tế: Thách thức trong công tác bảo vệ môi trường
Kỳ II: Mối nguy hại từ chất thải y tế
Chất thải y tế là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây cũng là loại rác thải xếp vào nhóm nguy hại hàng đầu cho sức khỏe con người, ẩn chứa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai phân loại, thu gom nước thải, chất thải rắn y tế nguy hại, nhưng trong quá trình xử lý lại còn nhiều hạn chế.
Nước thải của Bệnh viện Lao và Bệnh phổi sau khi xử lý được trực tiếp xả thải ra nguồn nước suối gần đó. |
TP. Buôn Ma Thuột là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn với quy mô hàng nghìn giường bệnh, do đó mỗi ngày các bệnh viện thải ra khoảng 600 kg chất thải rắn y tế nguy hại và hàng nghìn m3 khối nước thải từ các khoa, phòng, giường bệnh. Các chất thải y tế bao gồm cả chất thải lỏng, chất thải rắn và chất thải khí, tiếng ồn... có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao do chứa nhiều loại vi sinh vật gây bệnh và các hóa chất độc hại được sử dụng trong quá trình tẩy rửa, khử trùng và được phân chia làm 5 nhóm (nhóm A gồm chất thải lây nhiễm; nhóm B gồm các vật sắc nhọn; nhóm C gồm chất thải y tế từ các phòng thí nghiệm; nhóm D gồm các dược phẩm; nhóm E gồm chất thải bệnh phẩm). Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng thải ra những loại chất thải lỏng lây nhiễm và nước thải. Hiện nay, mỗi nhóm có một phương pháp xử lý tùy theo điều kiện của mỗi cơ sở y tế. Tuy nhiên, thời gian qua các bệnh viện đã triển khai phân loại, thu gom chất thải rắn y tế, nhưng hiện tại khâu xử lý vẫn còn nhiều hạn chế. Mặc dù các bệnh viện đều ký hợp đồng với công ty thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh để vận chuyển, xử lý rác thải sinh thông thường ra bãi rác thành phố. Riêng nước thải từ các bệnh viện hầu như chưa có biện pháp xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường, do đó đây là nguồn tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh tật, gây ô nhiễm môi trường đất, nước... Đồng thời, nó đã và đang tác động tới môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Tại bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh, từ năm 2012 đến nay, đơn vị này đều sử dụng nguồn nước giếng tự khai thác để phục vụ mọi sinh hoạt khám chữa bệnh và nguồn tiếp nhận nước thải lại là giếng thấm trong khuôn viên bệnh viện (khoảng 80m3/ngày đêm). Điều này cho thấy nguy cơ lây nhiễm bệnh là điều không tránh khỏi mà trước tiên chính là những cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện, sau nữa là dân cư sinh sống xung quanh khu vực. Hay như tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh, nguồn nước thải sau khi được xử lý đều chuyển vào hệ thống thu gom nước mưa rồi xả thải ra suối mà không thực hiện việc giám sát chất lượng nguồn nước trước khi xả thải. Ở Bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên, nước thải sinh hoạt tại khu vực cận lâm sàng cũng được thu gom về các hầm rút rồi tự ngấm ra môi trường... Việc xả nước thải vào môi trường đất không những ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, mà với lưu lượng nước xả thải hàng ngày lên đến hàng trăm khối như vậy đã góp phần mang theo mầm bệnh hòa vào dòng chảy trong lòng đất và các ao hồ, sông, suối…
Về chất thải rắn y tế nguy hại, hầu hết các bệnh viện đều xử lý theo phương pháp đốt. Việc sử dụng lò đốt không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường, chất thải từ lò đốt (nhả khói) cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh một số bệnh viện chưa có hệ thống xử lý chất thải nên phải hợp đồng với các đơn vị khác để thu gom, xử lý chất thải nguy hại như Bệnh viện Trường Đại học Tây Nguyên, Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh và Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh… thì vẫn có bệnh viện đã đầu tư lò đốt rác nhưng lại không bảo đảm vệ sinh môi trường như Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột ( hiện nay Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột đang đầu tư xây dựng hệ thống lò hấp tiệt trùng thay thế lò đốt rác cũ). Bên cạnh đó, mặc dù có bệnh viện đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng hệ thống lò hấp tiệt trùng xử lý chất thải rắn y tế nguy hại như Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng vẫn vi phạm các quy định về bảo đảm vệ sinh môi trường trong việc xử lý chất thải… Có thể nói, việc xử lý rác thải y tế còn quá nhiều bất cập bởi nguy cơ lây lan mầm bệnh rất lớn nếu không có phương tiện vận chuyển chuyên dụng hoặc chôn lấp có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Mặt khác, việc xử lý rác thải nguy hại bằng lò thiêu ngoài trời, thủ công đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm cũng như chất thải ra rất độc hại tác động đến sức khỏe con người như: Furan, kim loại nặng… gây mưa axit, hiệu ứng nhà kính.
Thực tế cho thấy, so với các loại rác thải khác thì chất thải y tế là một loại phế thải độc hại vì nó có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến sức khỏe con người và nguy cơ tạo nên dịch bệnh ở một vùng dân cư rộng lớn. Theo ước tính, trong 4kg rác thải y tế có 1kg bị nhiễm vi khuẩn nguy hiểm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết, rác thải y tế có 29 đồng phân độc nhất, trong đó dioxin là chất độc nhất có nguy cơ tác động ở diện rộng và khả năng làm nhiễm bẩn nước ngầm, không khí, lương thực thực phẩm... Thậm chí ở nồng độ rất thấp, dioxin cũng có khả năng gây rối loạn nội tiết, ung thư, dị dạng, phá hủy cân bằng miễn dịch... Mặc dù biết rõ mối nguy hại của chất thải y tế gây nên, nhưng để đầu tư kinh phí xây dựng và cải tạo hệ thống xử lý chất thải tại các bệnh viện đạt hiệu quả, bền vững đang là vấn đề đặt ra với các cơ quan chức năng.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Cần những giải pháp đồng bộ và cấp thiết
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc