Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm: Cần nâng cao nhận thức của người dân
Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm như cúm gia cầm, dịch tai xanh ở lợn, lở mồm long móng (LMLM) ở trâu, bò… thường xuyên diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho người chăn nuôi trên địa bàn Dak Lak. Tuy nhiên, do nhận thức của phần lớn người dân chưa cao nên việc phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm gặp nhiều khó khăn.
Còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước
Người dân ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp đang xịt thuốc sát trùng cho đàn bò bị bệnh LMLM. |
Từ đầu năm đến nay, Dak Lak đã xảy ra cả 3 loại dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc và gia cầm, là: LMLM, cúm gia cầm H5N1 và dịch tai xanh. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2013 dịch LMLM đã xảy trên địa bàn 9 xã thuộc 5 huyện: Krông Bông, Krông Pak, Krông Năng và M’Drak, với tổng số gia súc bị bệnh là 19 con trâu, 126 con bò, 180 con heo và 1 con dê, trong đó chết và tiêu hủy 109 con heo, 2 con bò và 1 con trâu; toàn tỉnh cũng đã xảy ra 3 ổ dịch cúm gia cầm ở huyện M’Drak, Krông Pak, Krông Ana, với 3.135 con gà, 2.298 con vịt đã tiêu hủy. Dịch heo tai xanh xuất hiện và hoành hành tại huyện Krông Ana, ở 57/73 thôn, buôn thuộc 8 xã và thị trấn, với số heo bị bệnh là 1.661 con, số chết và tiêu hủy 543 con (gần 23,8 tấn thịt hơi). Khi dịch xảy ra, chính quyền các cấp, các sở, ngành đều vào cuộc hỗ trợ nông dân chống và dập dịch, song điều đáng nói là nhận thức của phần lớn người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn hạn chế, nhất là trong việc tiêm vắc-xin phòng bệnh. Đơn cử trong đợt dịch heo tai xanh vừa xảy ra trên địa bàn huyện Krông Ana, tỉnh chỉ đạo phải khẩn trương tiêm phòng ngay vắc-xin tai xanh vào vùng dịch để bao vây, khống chế dịch, nhưng do chưa có ngay vắc-xin từ nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ nên trước mắt phải tạm ứng vắc-xin của Công ty thuốc thú y Trung ương 1 để tiêm và thu tiền vắc-xin từ dân (trong khi đó tiền công tiêm phòng đã được ngân sách huyện hỗ trợ), nhưng khi đi vận động thì nhiều hộ không hưởng ứng, không chịu tiêm phòng. Vì vậy, dịch tiếp tục phát sinh thêm ở các xã khác và có những diễn biến phức tạp. Đối với vắc-xin cúm gia cầm, vì Dak Lak không thuộc diện được cấp vắc-xin nên buộc các hộ chăn nuôi phải mua vắc-xin về tiêm phòng, tuy nhiên số gia cầm được tiêm vắc-xin còn rất ít, 6 tháng đầu năm 2013 chỉ có khoảng 250.000 con được chủ hộ chăn nuôi mua vắc-xin để tiêm và huyện Krông Pak tiêm được 100.000 liều từ nguồn ngân sách huyện. Đối với vắc-xin tai xanh, do không bắt buộc phải tiêm phòng, giá thành lại cao nên hầu như các hộ không tiêm loại vắc-xin này, do đó trong 6 tháng chi cục chỉ cung ứng được 3.100 liều và một số trang trại tự mua để tiêm. Chính vì vậy, số lượng gia súc, gia cầm được tiêm phòng không cao nên nhiều bệnh không đạt được tỷ lệ miễn dịch đàn, do đó dịch vẫn xảy ra và lây lan.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với hộ chăn nuôi
Trong nhiều nguyên nhân lý giải cho tỷ lệ tiêm phòng thấp, vấn đề mấu chốt vẫn là nhận thức của người chăn nuôi về phòng chống các loại dịch bệnh chưa cao nên đã không chủ động tiêm phòng các loại dịch bệnh, nhất là các loại bệnh nguy hiểm nói trên… Khi dịch bệnh xảy ra còn giấu dịch, bán chạy gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh; không tích cực vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải, tiêu độc khử trùng; còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước và các cơ quan chuyên môn… Để thu hẹp khoảng trống trong phòng trừ dịch bệnh ở gia súc, gia cầm thì giải pháp trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân hiểu về tác dụng của việc tiêm phòng, vệ sinh chăn nuôi, các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, giúp các hộ chăn nuôi áp dụng và thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn như chăm sóc cho vật nuôi, vệ sinh chuồng trại đúng cách, tiêu độc khử trùng định kỳ 1 - 2 tuần/lần bằng các chất sát trùng thông thường như vôi bột, hóa chất Bencocid, cloramid; sử dụng hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi... Tập trung khuyến cáo người dân mua con giống phải rõ nguồn gốc, được tiêm phòng vắc-xin đầy đủ để tạo miễn dịch khép kín cho đàn gia súc, gia cầm phát triển khỏe mạnh và ổn định; thực hiện phương thức chăn nuôi “cùng nhập, cùng xuất”. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì mạng lưới thú y cơ sở còn mỏng, việc tuyên truyền không thể đến từng người dân, còn tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng thì nhiều khi vẫn chưa có sự hợp tác giữa cơ quan chuyên môn thú y với báo chí…
Thiết nghĩ, để nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về phòng chống dịch bệnh có hiệu quả tốt nhất, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi và tăng cường lực lượng cho thú y cơ sở để họ làm tốt nhiệm vụ trong việc tuyên truyền, giám sát dịch bệnh tại địa phương. Chính quyền các cấp cũng cần xây dựng kế hoạch, phương án để có những hoạt động tuyên truyền sát với người dân, kịp thời hỗ trợ về kỹ thuật khi họ cần…
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc