Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết tình trạng rác thải ở xã Ea Kiết (Cư M'gar): Đã có hướng mở

13:00, 12/11/2013
Tại chợ Ea Kiết (xã Ea Kiết, Cư M’gar) những năm trước đây, rác nằm rải rác không chỉ đường đi lối lại trong chợ mà còn cả khu vực dân cư xung quanh chợ. Tiểu thương than phiền vì hằng tháng vẫn đóng tiền phí môi trường chợ mà chợ vẫn bẩn, vẫn phải sống chung với mùi hôi nồng nặc nhất là khi trời mưa xuống. Vấn đề là ở chỗ không phải chợ không có người quét dọn, mà quét dọn rồi nhưng chẳng biết xử lý thế nào, chỉ đơn thuần là gom thành từng đống, khi nhiều thì đốt (Báo Dak Lak đã có bài phản ánh).

Câu chuyện rác thải trên địa bàn xã, đặc biệt là khu vực chợ Ea Kiết đã được Ban Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và dịch vụ công bằng Ea Kiết quan tâm, trăn trở từ lâu. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về cơ chế nên sau khoảng 1 năm nung nấu xây dựng đề án, phương án, đầu tháng 11 này, HTX mới bắt tay hiện thực hóa được dự định làm dịch vụ thu gom rác trên địa bàn xã. Một tổ thu gom rác gồm 4 người trực thuộc HTX đã được thành lập để đảm nhiệm công việc này. Theo đề án được HĐND xã phê duyệt, mức phí thu gom rác cụ thể như sau: đối với hộ gia đình, tiểu thương 50 nghìn đồng/tháng; tập thể 100 nghìn đồng/tháng. Phương tiện thu gom, mặc dù chưa có xe chuyên dụng nhưng HTX sẽ dùng xe ô tô tải của HTX. Trong tuần, người và xe của HTX thực hiện thu gom rác vào các ngày thứ 2, 4, 6; dịp lễ tết sẽ tăng cường thêm. Để việc thu phí thuận tiện, chính xác, tổ thu gom hợp đồng với trưởng các thôn, định kỳ đi thu tiền vào ngày 25 hằng tháng, mỗi phiếu thu, trưởng thôn được hưởng 2.500 đồng/phiếu. Hiện đã có 210 cá nhân, tập thể đăng ký tham gia dịch vụ này. Ông Phan Khắc Mưu, tổ trưởng tổ thu gom rác cho biết: Do bước đầu triển khai còn nhiều khó khăn như vấn đề kinh phí, nhân lực, phương tiện, nhận thức của người dân… nên trước mắt, địa bàn thu gom rác của HTX chỉ thực hiện khu vực trung tâm xã, chợ Ea Kiết và một vài tuyến đường chính. Toàn bộ rác sau khi thu gom sẽ được vận chuyển, tập kết về bãi rác  nằm xa khu dân cư, đã được UBND xã quy hoạch cách trung tâm xã khoảng 5 km. Ông Mưu cũng nói rõ là HTX chỉ thu gom sau khi rác đã được tập kết tại các điểm, còn việc quét dọn, vệ sinh ở từng khu vực đơn cử như trong chợ Ea Kiết thì tổ thu gom không thực hiện mà do nhân công của Ban Quản lý chợ làm.

Ông Trần Thanh Sơn, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết, ngay từ khi xây dựng đề án làm dịch vụ thu gom rác, ước tính mỗi tháng lỗ 3 triệu đồng nhưng HTX vẫn làm. Và để giải quyết khó khăn, HTX sẽ dùng quỹ phúc lợi từ việc tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững để hỗ trợ việc thu gom rác nhằm góp phần bảo đảm môi trường trên địa bàn xã. Bà Nguyễn Thị Minh, một tiểu thương bán trái cây, buôn bán trong chợ Ea Kiết từ những ngày đầu rất phấn khởi mặc dù số tiền phí môi trường phải đóng tăng từ 20 nghìn đồng lên 50 nghìn đồng/tháng. Điều mà bà Minh cũng như nhiều tiểu thương và người dân ở đây mong muốn là việc thu gom rác bảo đảm thời gian, chất lượng công việc. Về phía HTX, đơn vị đang thực hiện dịch vụ này cũng hy vọng sẽ được sự ủng hộ, phối hợp thực hiện của bà con bởi việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của cộng đồng.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.