Multimedia Đọc Báo in

Đường đi của siêu bão Haiyan và công tác ứng phó của các địa phương

15:17, 10/11/2013

  Theo dự báo siêu bão Haiyan có sức tàn phá khủng khiếp. Hiện các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của siêu bão đã tích cực, chủ động, gấp rút ứng phó với bão.

Lúc 15h, tại Ninh Bình: Theo dự báo tối muộn bão số 14 đổ bộ vào đất liền, các vùng chịu ảnh hưởng chính sẽ từ Thanh Hóa trở ra khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Ninh Bình. Từ sáng đến thời điểm hiện nay, Ninh Bình đôi lúc có mưa nhỏ, trời âm u.

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn  tỉnh Ninh Bình cho biết, thời điểm hiện tại, tỉnh đã hoàn thành cơ bản việc kêu gọi tàu thuyền và ngư dân vào nơi tránh trú an toàn.

Lúc 14h30: Tại Thanh Hóa nhiều nơi đang có mưa và gió nhẹ. Người dân 6 địa phương ven biển gồm: Quảng Xương, Tĩnh Gia, Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn đang gấp rút sơ tán vào nơi trú tránh an toàn như các khu nhà kiên cố như: công sở xã, trường học...

Theo số liệu thống kê của địa phương có 10.023 hộ (44.620 nhân khẩu) ở vùng cách mép nước biển 200m sẽ được di chuyển đến các khu nhà kiên cố. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tất cả các địa phương phải tiến hành khẩn trương sơ tán dân xong trước 18h cùng ngày. 

Hiện nay, theo thông tin mới nhất từ Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, 7.501 phương tiện nghề cá với 24.733 lao động của tỉnh Thanh Hóa đã về đến nơi trú tránh an toàn. 

Lúc 14h05: Tại Thừa Thiên-Huế gió đã bắt đầu lặng, nhưng mưa rất to. Một số xã thuộc huyện Quảng Điền, Hương Trà đang ngập nặng. Bà con đi sơ tán đã trở về nhà.

Ông Lê Trường Lưu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, sáng nay, những lao động chính và thanh niên đã được phép rời khỏi nơi trú ẩn để trở về quản lý nhà cửa. Còn đối với phụ nữ, người già, trẻ em thì khoảng gần trưa mới về. Tuy nhiên, những vùng có nguy cơ ngập lụt, chính quyền các cấp tiếp tục quản lý, theo dõi, nhất là cùng với các gia đình quản lý chặt chẽ con em sau bão để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Tại các đảo như Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa) sóng, gió đã giảm, nhưng chính quyền các địa phương vẫn chưa cho người dân trở về nhà, đề phòng thời tiết diễn biến phức tạp sau bão. Theo ông Trương Khắc Trưởng, Phó Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, trời vẫn còn mưa nên không được phép chủ quan.

Lúc 13h45: Tại Quảng Bình, dù cơn bão không ảnh hưởng trực tiếp nhưng người dân không chủ quan. Tại xã biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, mưa vẫn rất to, gió giật liên hồi. Biển ăn sâu vào đất liền, gây xâm thực nghiêm trọng. 

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 9, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió giật mạnh cấp 8; ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Đồng Hới (Quảng Bình và Thuận An (Huế) đã có gió giật mạnh cấp 7. 

Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa vừa đến mưa to; lượng mưa phổ biến tính đến 10 giờ sáng nay (10/11) khoảng 40 – 100mm, một số nơi lớn hơn như Bạch Mã (Huế) 159mm, Nam Đông (Huế) 106mm; Trà Bồng (Quảng Ngãi) 136mm, Bình Đông (Quảng Ngãi) 102mm. 

Hồi 12 giờ ngày 10/11, tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Thừa Thiên Huế - Quảng Trị khoảng 180km về phía Đông. Cường độ mạnh cấp 13. Dự báo trong 6 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km.

Trên quốc lộ 1A có rất ít xe cộ lưu thông, 2 bên đường, nhà cửa, cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa. Nhà cửa đều được người dân dùng đòn tre hoặc thanh sắt khóa ngang cho thêm phần chắc chắn. Từ huyện Lệ Thủy đến huyện Bố Trạch, người dân cũng chằng chống nhà cửa kỹ càng, mái nhà được chèn thêm bao cát. Các trạm xăng dừng hoạt động.

Tại Hà Nội, dự báo sẽ xảy ra cây đổ, mưa lớn gây ngập úng khu vực nội thành và ách tắc giao thông, úng ngập trên diện rộng và ảnh hưởng đến cây trồng vụ đông. Mưa bão lớn khiến cho các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình có thể phải xả lũ, mực nước sông Hồng và các sông ở Hà Nội dâng cao, gây sạt lở đê điều, úng ngập vùng bãi sông. 

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP. Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung tổ chức chống úng ngập, sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm có khả năng xảy ra sạt lở, lũ quét. Công ty cây xanh, công ty thoát nước chống úng ngập. 

Lúc 13h30: Tại Nghệ An, từ tối hôm qua thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa to, gió  cấp 4, cấp 5. Lúc rạng sáng gió cấp 8 và có lúc cấp 9. UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu và cho phép cưỡng chế đối với các trường hợp không chịu chấp hành lệnh di dời tránh bão.

Báo cáo nhanh của Ủy ban phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết, đến 5h sáng nay, toàn bộ 4.000 phương tiện tàu thuyền cùng với trên 20.000 lao động đã về bờ an toàn. Có 55 tàu thuyền với 420 ngư dân của các tỉnh khác cũng đang neo đậu tại Nghệ An. 

Tại 5 huyện, thị xã ven biển là thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu và huyện Hoàng Mai sơ tán hơn 13.000 hộ dân với gần 47.000 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Tại các huyện, thị xã ven biển, bên dưới các cảng cá, âu tàu rất nhiều tàu thuyền vào trú ẩn và được người dân chằng buộc cẩn thận, tránh va đập. Những người dân ở đây cho biết, đây là cơn bão lớn, nên kinh nghiệm nhiều năm là không lơ là, mất cảnh giác. 

Lúc 13h20: Tại Thanh Hóa, đang bắt đầu có mưa nhỏ và gió nhẹ. Tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 18 đoàn công tác, đi kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai, đối phó với bão tại các tỉnh miền núi và các huyện đồng bằng ven biển. Tiến hành kiểm tra các công trình hồ đập, thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, kiểm tra vật tư, phương tiện dự phòng tại các hồ chứa để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, kiểm tra hệ thống đê điều để chủ động các phương án đảm bảo an toàn.

Tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Hoàng Hóa, Thiệu Hóa và Hậu Lộc chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, lực lượng để hộ đê tả sông Mã, sông Chu. Ngay trong đêm 9-11, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các huyện miền núi, tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống với số dân dự kiến phải di dời là 5.000 hộ với 22.000 nhân khẩu. Ngay trong sáng 10-11, Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định sơ tán dân ở vùng ven biển với 10.023 hộ và khoảng 44.600 nhân khẩu phải di dời. Việc sơ tán dân phải xong trước 18h ngày hôm nay (10-11).

Tại Hà Tĩnh, tỉnh đang tiếp tục công tác di dời dân, kể cả ở vùng ven biển, vùng xung yếu, các vùng miền núi về nơi tránh bão an toàn. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra phòng chống bão số 14 tại tập đoàn Formosa, thuộc khu kinh tế Vũng Áng với khoảng 13.000 công nhân. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tập đoàn Formosa cần tập trung phương án đảm bảo an toàn các công trình, nhà xưởng, khu sản xuất. 

Lúc 13h: Theo thông tin nhanh từ các tỉnh, thành phố miền Trung, bão số 14 đã làm 10 người thiệt mạng. Trong đó, Quảng Nam 3 người, Quảng Ngãi 2 người và 5 người ở Thừa Thiên Huế và  11 người bị thương. Hầu hết các trường hợp thiệt mạng đều do bất cẩn trong quá trình chặt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, trượt chân ngã dẫn đến thương vong.

                                                                                                                                                    Theo vov

                                                                                                                                                   

 

 



 

 

 

  


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.