Multimedia Đọc Báo in

Gian nan công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường

15:49, 02/11/2013

Trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế-xã hội, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều hoạt động tinh vi. Trong bối cảnh trên, cán bộ chiến sĩ Phòng cảnh sát môi trường (PC49), Công an tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

“Nóng” vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 khu và 5 cụm công nghiệp (CN), 19 nhà máy sản xuất ngoài khu, cụm CN với các loại hình sản xuất chủ yếu như chế biến thực phẩm, thức ăn gia súc, phân bón, tinh bột sắn, mủ cao su, cà phê… Để đẩy mạnh sản xuất, tăng thu lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp khi vận hành sản xuất chưa thực hiện đúng các cam kết bảo vệ môi trường, xử lý chất thải không đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường và tác động xấu đến đời sống của người dân. Trong đó không chỉ tái diễn tình trạng các cơ sở sản xuất, chế biến, chăn nuôi xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn ra môi trường tự nhiên; mà hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch vẫn thường xuyên xảy ra; một số cơ sở khám chữa bệnh chưa tự giác chấp hành các quy định về BMVT, quản lý chất thải y tế nguy hại còn nhiều lỗ hổng; các đối tượng vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản, khoáng sản, động vật hoang dã quý hiếm với hoạt động tinh vi, liều lĩnh, luôn tìm mọi cách chống đối cơ quan chức năng khi bị kiểm tra khiến cuộc chiến phòng, chống tội phạm môi trường ngày càng gay go, phức tạp.

Lực lượng cảnh sát môi trường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nhân dịp Tết trung thu.
Lực lượng cảnh sát môi trường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nhân dịp Tết trung thu.

Theo ông Nguyễn Văn Thành (Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh): năm 2013, lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 228 vụ  với 238 tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chủ yếu ở các lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm; xả thải vượt tiêu chuẩn; buôn bán, săn bắt động vật hoang dã và khai thác gỗ, khoáng sản trái phép… Nhiều vụ gây bức xúc trong nhân dân như  hoạt động đào đãi vàng trái phép ở xã Cư Yang (huyện Ea Kar), hay xã Ea Kênh, huyện Krông Pak làm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của nhân dân, gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường. Một người dân thôn Thanh Bình (xã Ea Kênh) bày tỏ: “Nếu tình trạng khai thác vàng trái phép cứ tái diễn thì sẽ dẫn đến tình trạng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của bà con nơi đây ngày càng khan hiếm bởi môi trường quá ô nhiễm; an ninh trật tự của địa phương thêm bất ổn”...

Nhiều “điểm nóng” về tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường đã và đang tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống của người dân, như việc kho trung chuyển mủ cao su của doanh nghiệp tư nhân nông sản Quang Vinh ở thôn 4, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột xả chất thải gây mùi hôi thối (năm 2012); vấn nạn khai thác cát trái phép đã và đang diễn ra công khai trên địa bàn các huyện Krông Ana, Krông Bông gây nạn sạt lở đất sản xuất của người dân; việc xử lý chất thải y tế nguy hại chưa đúng quy trình tại một số bệnh viên trên địa bàn tỉnh… Trước tình hình trên, nhờ có sự vào cuộc mạnh mẽ, trực tiếp và quyết liệt của lực lượng cảnh sát môi trường nên tình hình vi phạm trong năm 2013 đã giảm hơn so với các năm trước.

Thầm lặng những chiến công

Từ công tác phối hợp và nguồn tin từ quần chúng, lực lượng Phòng Cảnh sát môi trường đã tiến hành kiểm tra truy quét hoạt động đào đãi vàng trái phép ở thôn 15 xã Cư Yang (huyện Ea Kar); tháo dỡ nhiều tăng bạt được dùng làm lán trại, san lấp các bể chứa nước và tịch thu nhiều phương tiện, vật dụng dùng để đào đãi vàng. Từ sau lần truy quét đó, lực lượng cảnh sát môi trường còn tổ chức nhiều buổi phục kích, truy bắt các đối tượng quay trở lại địa bàn để khai thác vàng trái phép.

Hay cuộc chiến truy bắt các đối tượng có hành vi vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực giáp ranh giữa xã Ia Lơi (huyện Ea Súp) và xã Ia B’lư (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), bắt 5 đối tượng đang vận chuyển lâm sản trái phép. Theo đó, lâm tặc đã khai nhận việc sử dụng xe máy cày để mua và vận chuyển hàng chục m3 gỗ lậu. Kết quả 1 đối tượng đã bị khởi tố hình sự, 4 đối tượng còn lại bị xử lý vi phạm hành chính...

Có thể nói, trong “cuộc chiến” chống “lâm tặc” khai thác lâm sản trái phép, khó kể hết những khó khăn, vất vả của lực lượng cảnh sát môi trường, với những đêm thức trắng trèo đèo, lội suối vượt hàng trăm cây số để truy quét đối tượng phạm pháp. Ông Thành chia sẻ: “Hoạt động khai thác lâm sản thường diễn ra lén lút ở những địa bàn phức tạp, hiểm trở nên việc xử lý các đối tượng này không hề đơn giản. Không chỉ thế, hành động của bọn chúng khá tinh vi do đó quá trình phục bắt phải mất nhiều thời gian và cần kiên nhẫn. Cũng chính vì thế, các chiến sĩ cảnh sát môi trường thường xuyên làm nhiệm vụ vào ban đêm hoặc ngày lễ, các ngày cuối tuần… Tuy vậy anh em vẫn luôn hết mình vì công việc để bảo vệ môi trường và cuộc sống trong lành cho nhân dân”.

Cuộc chiến phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không chỉ dừng ở hành vi phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép mà ngay cả trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi… Cụ thể như trong quá trình kiểm tra đột xuất tại cơ sở thu gom chế biến thực phẩm từ sản phẩm gia súc của ông Nguyễn Duy Song (xóm Mới, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin), phòng PC49 đã phát hiện 6 tấn da và 2 tấn mỡ trâu bò bốc mùi hôi thối đang chuẩn bị đưa đi tiêu thụ nhưng đã bị các chiến sĩ của phòng lập biển bản niêm phong. Cũng tại lò mổ trâu, bò của bà Nguyễn Thị Hoài Phương (phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột), lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện cơ sở này chứa hơn 60kg nội tạng trâu, bò đã bốc mùi hôi thối… Có thể nói, nếu như những vụ việc này không được phanh phui, chắc hẳn số thực phẩm quá “đát” trên sẽ được tiêu thụ tại các chợ, hàng quán mà người sử dụng không hề hay biết chất lượng.

Nhờ sự triển khai, nắm bắt tình hình của lực lượng cảnh sát môi trường trên hầu hết các lĩnh vực liên quan như: Du lịch sinh thái, thủy điện, công nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng... nên đã từng bước góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm, hủy hoại môi trường gây bức xúc trong nhân dân. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của cộng đồng cũng được nâng lên, giúp cho môi trường ngày thêm bền vững, xanh tươi.

 Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc