Multimedia Đọc Báo in

Sự thật đằng sau món gan ngỗng Foie Gras nổi tiếng của người Pháp

16:35, 28/10/2013

Bằng cách dùng các ống kim loại bơm thẳng thức ăn vào dạ dày ngỗng, người ta đã tạo được món ăn đặc sản có tên Foie Gras, có mặt hầu hết trên các nhà hàng nổi tiếng Âu-Mỹ.
 

1. Foie Gras niềm tự hào của người Pháp
 

Món ăn Foie Gras hấp dẫn và đắt đỏ của người Pháp.
Món ăn Foie Gras hấp dẫn và đắt đỏ của người Pháp.

Người Nhật ngẩng cao đầu vì món sushi, người Pháp lại tự hào về món gan ngỗng ngậy béo Foie Gras. Đây là món ăn "bản quyền" của người Pháp chỉ có mặt tại những cửa hàng cao cấp. Gọi là bản quyền vì nó mang đặc thù văn hóa ẩm thực của người Pháp, nhất là khi áp chảo. Rất tinh túy, điệu nghệ nên hương vị cũng rất đặc trưng, nhất là khi dùng chúng với rượu vang.  Không chỉ ngon miệng, Foie Gras còn có lợi cho sức khỏe vì có chứa nhiều chất béo hữu ích, nhất là chất béo không bão hòa giúp con người giảm được mỡ máu, giảm bệnh tim mạch, đặc biệt là làm tăng tuổi thọ, những người dân vùng tây-nam nước Pháp có tuổi thọ cao hơn bởi họ có thói quen dùng món Foie Gras.

2. Đằng sau món Foie Gras béo ngậy

Công nghệ sản xuất
Công nghệ sản xuất "ép buộc" gan ngỗng

Nếu làm ăn chân chính, tạo ra những sản phẩm hữu ích mang tính "nhân văn" thì chẳng nói làm gì, nhưng đằng sau món Foie Gras béo ngậy lại cả một câu chuyện dài đáng nói. Chuyện bắt đầu bị vỡ lở sau khi Tổ chức Bảo vệ động vật (AP) và Quyền bình đẳng của động vật (AE) mới đây đã thâm nhập vào các trang trại sản xuất gan ngỗng ở Mỹ và Pháp và phát hiện thấy "sự tàn bạo khủng khiếp" mà các trang trại này áp dụng đối với động vật. Quy trình nuôi ngỗng ở đây khác hẳn với cách chăn nuôi truyền thống. Người ta đã dùng các ống kim loại để bơm thẳng thức ăn vào dạ dày con vật. Bằng cách làm này mà ngỗng lớn nhanh, gan phát triển nhanh, gan tích nhiều mỡ và cũng là cách làm tổn thương đến sức khỏe con vật. Qua điều tra, các nhân viên của AP và AE đã phát hiện thấy không chỉ ở Pháp, Mỹ mà ở châu Âu,  đâu đâu người ta cũng áp dụng quy trình này.
Tháng 6-2012, các nhân viên của AE đã khảo sát 4 trang trại nuôi ngỗng ở miền Nam nước Pháp và 4 trang trại ở Catalonia (Tây Ban Nha), một số trang trại ở New York và California, tất cả đều áp dụng công nghệ nói trên. Năm 2008, năm quốc gia gồm  Pháp, Tây Ban Nha, Bungari, Bỉ và Hungary đã thành lập Liên minh sản xuất gan ngỗng béo (FGF). Trong số này Pháp là quốc gia dẫn đầu cả về sản xuất lẫn xuất khẩu, mỗi năm tung ra thị trường trên 20.000 tấn, còn Tây Ban Nha mỗi năm tiêu thụ ít nhất 4.200 tấn.
3. Sự thật qua chứng kiến của nhân viên AE
Để rộng đường dư luận, ông Laura Gough, phát ngôn viên của AE mới đây đã có cuộc phỏng vấn ngắn với phóng viên tạp chí Top Secret Writers của Mỹ về những điều mắt thấy tai nghe.   
- Hỏi: AE phát hiện thấy quy trình sản xuất Foie Gras này từ bao giờ?
- Trả lời: Bắt đầu từ năm 2012, AE đã công bố kết quả điều tra về quy trình sản xuất gan ngỗng ở châu Âu. Các nhân viên của AE đã tiến hành điều tra ở 13 trang trại tại Tây Ban Nha và 4 trang trại ở Pháp. Thậm chí, cả trang trại của ông Jordi Terol, Phó Chủ tịch Ủy ban sản xuất Foie Gras châu Âu (Eurofoiegras) được xây dựng tại Strasbourg năm 2008. Các điều tra viên của AE đã thu thập nhiều số liệu quan trọng, như ghi chép, ghi âm, ghi hình,  phỏng vấn trực tiếp và phát hiện thấy trong các trang trại sản xuất gan ngỗng, sự đối xử của con người với động vật là vô cùng tàn bạo, làm cho chúng bị tổn thương, mắc nhiều bệnh mà không được chăm sóc đặc biệt là bệnh mắt, gia tăng stress, hoảng sợ, ngỗng sống và ngỗng chết đều được nhốt chung một lồng.

Gan ngỗng sau khi thu hoạch
Gan ngỗng sau khi thu hoạch

- Hỏi: Với thực trạng này con người có hành động gì để cải tiến quy trình chăn nuôi ?
- Trả lời: Do thâm nhập sâu những công đoạn sản xuất nên AE phát hiện thấy tình trạng sản xuất ngày càng tồi tệ hơn, mặc dù đã được cảnh báo. Các số liệu của AE đã được đệ trình lên cho Nghị viện châu Âu (EC) hồi tháng 10-2012 và yêu cầu cấm sản xuất gan ngỗng theo phương pháp nói trên. Cho tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có bang California của Mỹ là ban hành lệnh cấm sản xuất và kinh doanh Foie Gras.
- Hỏi: Theo AE, có phương pháp nào giúp cho việc sản xuất gan ngỗng nhân đạo hơn?.
- Trả lời: Nói chính xác hơn là món Foie Gras được chế ra từ gan ngỗng (cả ngỗng đực lẫn ngỗng cái) được nuôi bằng cách ăn nhiều hơn so với nhóm ngỗng nuôi lấy thịt hoặc đẻ trứng. Tuy nhiên quy trình lại gây hiện tượng gan nhiễm mỡ, giống như ở các loài vật khác, kể cả con người, gọi là chứng bệnh thoái hóa gan. Nói trên góc độ bệnh dịch học thì đây là cách làm tạo ra quá nhiều mỡ trong tế bào và cuối cùng dẫn đến suy gan. Gan ngỗng được dùng làm món Foie Gras thường có kích thước lớn gấp 10 lần kích thước gan ngỗng bình thường nên cách chăn nuôi này mang tính phi nhân đạo, vì vậy không còn cách nào khác là cấm triệt để việc sản xuất và kinh doanh món Foie Gras chứ không cấm một phần như đạo luật do EU ban hành năm 1999.

Khắc Nam (Theo TSW-10/2013)
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.