Multimedia Đọc Báo in

Những tác động bất lợi từ Thủy điện Buôn Tua Sarh

09:18, 23/11/2013

Dự án thủy điện Buôn Tua Sarh trên sông Krông Nô được khảo sát, xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2009. Theo thiết kế, hồ chứa nước của thủy điện này có sức chứa khoảng 430 triệu m3, ngoài mục đích tích nước để phát điện còn góp phần vào việc phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cho vùng hạ du: cắt lũ khi có mưa lớn, bổ sung nguồn nước tưới trong mùa khô…Tuy nhiên, việc đắp đập, ngăn sông trữ nước của thủy điện trên đã có những tác động bất lợi đến môi trường, môi sinh trên toàn vùng, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Đời sống vùng hạ lưu xáo trộn

Đập xả nước thủy điện Buôn Tua Sarh.
Đập xả nước thủy điện Buôn Tua Sarh.

Theo đánh giá của cơ quan Khí tượng Thủy văn (KTTV) Dak Lak và Dak Nông, từ khi thủy điện Buôn Tua Sarh đi vào hoạt động, cùng với sự đóng - mở điều tiết nước để phát điện đã bắt đầu gây ra những xáo trộn ở phía hạ lưu. Số liệu của quan trắc của Trung tâm KTTV Dak Nông cho thấy: trong các ngày từ tháng giữa tháng 7 đến tháng 8 hằng năm (kể từ năm 2009), lưu lượng dòng chảy của sông Krông Nô từ 50-60m3/giây giảm xuống còn 2-3m3/giây. Và dù trong những tháng mùa mưa, khi thủy điện này tích nước thì dòng chảy của sông Krông Nô vẫn trong tình trạng kiệt nước. Ngược lại, khi thủy điện xả nước đã gây ngập lụt, sạt lở… làm thiệt hại hoa màu của người dân vùng hạ lưu.        

Sự biến động của mực nước và lưu lượng nước sông Krông Nô dưới tác động của hồ tích nước thủy điện Buôn Tua Sarh đã tác động bất lợi đến đời sống của người dân sinh sống dọc vùng hạ lưu. Tại xã Quảng Phú (Krông Nô - Dak Nông), trạm bơm duy nhất phục vụ nước tưới cho cánh đồng buôn Sứt bị “tê liệt” hoàn toàn. Theo quan sát của cơ quan KTTV, hầu hết thời gian từ cuối tháng 11 đến tháng 3 hằng năm thì cánh đồng buôn Sứt và cánh đồng D12 của địa phương này luôn lâm vào cảnh thiếu nước trầm trọng. Tại các xã Nam Ka, Krông Nô (Dak Lak) cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Ông Ma Tum-Chủ tịch xã Nam Ka cho hay: diện tích gieo trồng ở địa phương cũng như các vùng lân cận khác chỉ bằng ½ so với trước khi có công trình thủy điện. Nhất là vụ đông xuân, dù diện tích đã giảm một nửa, nhưng phần còn lại (khoảng 1/3 diện tích) vẫn bấp bênh do nguồn nước không đảm bảo. Ở xa hơn về phía hạ lưu, các trạm bơm cung cấp nước tưới cho các cánh đồng của Buôn Choah, Krông Nô…. cũng gặp khó khăn do nguồn nước của sông Krông Nô bị chặn lại, buộc các trạm bơm ở đây phải tranh thủ bơm vào những ngày mà thủy điện xả nước phát điện, nhưng vẫn không vận hành hết tối đa công suất vì mực nước  thấp hơn từ 0,4- 0,7m so với bình thường. Mặt khác, qua thực tế cho thấy: sau khi tổ máy thứ 2 của thủy điện Buôn Tua Sarh đi vào hoạt động từ cuối năm 2009 đến nay đã gây ra tình trạng ngập úng, sạt lở nặng ngay trong cả mùa khô. Hằng năm có gần 100 ha cây trồng của người dân hai tỉnh Dak Lak và Dak Nông sống dọc hạ lưu sông Krông Nô bị ngập do nhà máy xả nước.

Thủy điện Buôn Tua Sarh ngăn dòng khiến hạ lưu khô kiệt.
Thủy điện Buôn Tua Sarh ngăn dòng khiến hạ lưu khô kiệt.

Ngoài ra, những hệ lụy từ việc xây dựng thủy điện Buôn Tua Sarh nảy sinh trên các phương diên khác cũng rất đáng quan tâm. Theo cơ quan TTKTV Dak Lak - Dak Nông, khi dòng Krông Nô bị chặn lại thì một lượng phù sa bị bồi lắng trong lòng hồ khiến lượng phù sa ở hạ du giảm dần, đồng ruộng và bãi bồi không còn màu mỡ như trước, khiến đời sống sản xuất của người dân gặp khó khăn. Ông Ma Liên - Chủ tịch xã Krông Nô-huyện Lak cho biết: trước đây bà con trồng ngô, đậu và gieo lúa trên các cánh đồng, hoặc bãi bồi dọc theo dòng sông ít bỏ ra khoản chi phí mua phân bón phục vụ sản xuất, nay khoản chi phí này tăng lên, nhưng năng suất, sản lượng vẫn không cao, thậm chí bấp bênh là do dòng chảy Krông Nô thay đổi. Nhiều người dân trong vùng còn cho biết: Nhiều loại cá không thể tồn tại và phát triển vì môi trường sống suy giảm, lượng cá trên sông giảm từ 30-70% so với trước. Không những thế, cơ quan KTTV cảnh báo: đập chứa nước thủy điện Buôn Tua Sarh còn có thể gây ra nhiều biến động liên quan đến địa chất, địa hình và thổ nhưỡng. Điều này có thể thấy được lượng nước trong lòng hồ thấm qua các tầng đất gây úng ngập, kéo theo sự gia tăng mức độ bảo hòa các lớp thổ nhưỡng làm ảnh hưởng đến cấu tạo vỏ địa chất trong khu vực. Cuối cùng là sự thay đổi dòng chảy có thể tạo ra một hình thái xói lỡ và bồi lắng mới ở hạ lưu. Sự thay đổi này là một trong những yếu tố phá vỡ sự ổn định hệ sinh thái hai bên bờ sông.

Cộng đồng trách nhiệm

Trước khi có thủy điện Buôn Tua Sarh, chế độ thủy văn của sông Krông Nô diễn ra theo quy luật chung của các sông, suối ở Tây Nguyên, mang sắc thái của chế độ dòng chảy nhỏ miền núi. Những ngày có lũ, biên độ dao động mực nước đạt từ 0,5 - 2m/ngày đêm. Và phần lớn trong thời gian này, mực nước và lượng dòng chảy trong sông duy trì ở mức bằng và cao hơn mức trung bình năm nên ít xảy ra tình trạng lũ lớn và đột ngột. Trong mùa cạn, mực nước ít biến động hơn và thường có xu hướng giảm dần trong thời kỳ từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, nhưng vẫn đủ duy trì cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trong khu vực. Đặc biệt vào những năm khô hạn nhất (2004-2005 và 2007-2008), dòng chảy của sông vẫn đạt từ 10,5-16,5m3/giây nên tình hình sản xuất nông nghiệp ở đây ít chịu tác động bất lợi nhất so với toàn vùng Tây Nguyên.         

Có thể nói, việc khai thác thủy năng của sông Krông Nô để phát điện phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương là ưu tiên số một. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực đến môi trường, dân sinh trong vùng dự án và khu vực lận cận là quá rõ ràng. Vấn đề là chủ đầu tư cùng với chính quyền các cấp cũng như các ngành liên quan cần tìm ra giải pháp tối ưu để khai thác tiềm năng sông Kông Nô một cách hiệu quả, hạn chế những tiêu cực do hoạt động của nhà máy thủy điện trên gây ra.

Trước hết là trong mùa khô hạn, khi mà hàng vạn hộ dân sinh sống ven sông phụ thuộc chủ yếu vào lượng nước sông Krông Nô thì chế độ đóng-mở và phát điện của nhà máy cần quan tâm đến nhu cầu dùng nước ở vùng hạ du. Thời gian và lượng nước phải xả đủ để người dân sản xuất bình thường, thậm chí nếu được cần tăng cường thêm khi hạn hán gia tăng. Về lâu dài, cần có những khảo sát, đánh giá chi tiết hơn về nhu cầu dùng nước trên tất cả các mặt của đời sống để có giải pháp thỏa đáng và hài hòa. Mặt khác, theo thiết kế - về mùa lũ hồ chứa nước của nhà máy thủy điện Buôn Tua Sarh có thể tham gia cắt lũ, giúp hạn chế mức độ thiệt hại cho người dân cho. Tuy nhiên, với sức chứa tối đa của lòng hồ là 430 triệu m3, trong khi lưu lượng lũ trung bình đạt xấp xỉ 500m3/giây và cao nhất có thể đạt gần 4000m3/giây nên hệ số điều hòa của hồ là không lớn, nên một khi không chủ động điều tiết mà cứ xả lũ tùy tiện thì có thể làm tăng mức độ “lũ chồng lũ” cho vùng hạ lưu. Do đó, nhà máy nhất thiết phải có quy trình xả nước rõ ràng, hợp lý và phải có thông báo sớm cho vùng hạ lưu để chủ động phòng tránh và ứng phó một cách chủ động. Theo đó, trong điều kiện có tác động của hồ chứa, yếu tố tự nhiên không còn, việc dự báo sẽ khó khăn hơn nếu không biết quy trình xả nước từ phía nhà máy. Vì vậy, thông tin hai chiều giữa nhà máy và cơ quan KTTV là rất cần thiết, nhằm đáp ứng thông tin kịp thời, chính xác cho người dân vùng hạ du, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng rõ nét và hết sức phức tạp như hiện nay.  

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc